Hãy ít có lòng ham muốn vật chất

08/02/2024 | 15:31 GMT+7

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, Bác Hồ có đưa ra 23 điều cần thiết đối với tư cách của người cách mạng, trong đó có yêu cầu “Ít lòng ham muốn về vật chất”.

Nhà sàn Bác Hồ - biểu tượng cuộc sống giản dị, thanh cao của Người.

Vậy vật chất có gì quan trọng mà Bác Hồ phải đặt ra yêu cầu đối với cán bộ cách mạng đến như vậy?

Nhận biết về vật chất

Xung quanh từ vật chất cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Vật chất được hiểu ở hai tầng nghĩa khác nhau: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng (triết), vật chất là toàn bộ cái hiện thực tồn tại khách quan quanh con người. Ở nghĩa hẹp, vật chất là những gì thuộc nhu cầu về thể xác (ăn mặc, đi lại…) của con người.

Vật chất có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực (lợi), theo cách nhìn duy vật, con người sống trong thế giới vật chất, có vật chất con người và xã hội mới tồn tại và phát triển, có vật chất con người mới trở nên giàu có và văn minh. Con người nỗ lực phát triển kinh tế là nhằm mục đích chân chính đó. Đây là lẽ phải thường tình!

Về mặt tiêu cực (hại), do có hấp lực rất lớn nên vật chất thường gây “nghiện” (ghiền) cho con người! Triết học mác-xít chỉ ra vật chất là cái có trước và quyết định ý thức con người, dân gian cũng nói “vật sinh tính”.

Từ đó ta thấy, vật chất có khả năng “sai khiến” con người, có thiên hướng tha hóa (làm biến đổi) con người. Vật chất thay đổi thì sớm muộn gì tư tưởng con người cũng thay đổi theo. Một khi đã bị tiêm nhiễm bởi vật chất thì con người rất khó lòng buông bỏ. Ta thường nói là chạy theo vật chất hoặc bị lệ thuộc bởi vật chất. Ví dụ, khi đi xe đạp thì rất ngán đi bộ, khi đi xe hon đa thì rất ngán đi xe đạp, khi đi ô tô thì rất ngán đi xe hon đa, khi đi máy bay thì rất ngán đi ô tô; quen ở phòng lạnh thì rất ngán không khí nóng nực bên ngoài; quen uống bia thì rất ngán rượu đế; quen ở nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi thì rất ngán ở nhà tranh vách lá đơn sơ…

Khi có vật chất thì con người thường hay thay đổi về tâm tính và tướng mạo, cụ thể là qua lời ăn tiếng nói và cử chỉ điệu bộ! “Vật sinh tính” rồi “tính sinh tướng” là điều ông bà ta đã chỉ ra từ xưa!

Tha hóa con người là đặc tính khách quan vốn có của vật chất, chứ bản thân vật chất không có lỗi gì trong vấn đề này! Từ xưa người đời đã từng cảnh báo: vật chất tiền bạc là phương tiện tốt nhưng là người bạn xấu. Có nghĩa là, vật chất tiền bạc giúp ta nhiều thứ, nhưng đồng thời nó cũng luôn túc trực bên ta, “rủ rê” và “xúi giục” ta đi đến với những cái không tốt! Đã có những cá nhân, gia đình, triều đại, quốc gia thịnh đạt nhờ vật chất và cũng có không ít trường hợp gãy đổ suy tàn cũng từ vật chất!

Sở dĩ có điều đó là vì năm giác quan làm cho tâm lý con người luôn hướng tới những gì hấp dẫn, nói cách khác là thích những “món ngon vật lạ”! Thị giác thì thích nhìn những màu sắc bắt mắt. Thính giác thì thích nghe những âm thanh, giọng nói êm tai. Khứu giác thì thích ngửi những mùi thơm tho dễ chịu. Vị giác thì thích nếm những vị ngọt bùi. Xúc giác thì thích xúc cảm với những gì mát mẻ, mịn màng.

Phật giáo cho rằng có 5 thứ có thể sai khiến con người, gọi là ngũ dục, đó là: tài, tức tiền bạc, của cải; sắc, tức người đẹp, vật dụng đẹp; danh, tức địa vị, quyền chức, tiếng thơm; thực, tức món ăn ngon; thùy, tức sự ngủ nghỉ sướng thân.

Sự hấp dẫn của vật chất với con người là không giới hạn, hay nói cách khác, lòng tham của con người là không đáy! Điều này diễn ra rất êm ái, tế nhị khó thấy, khiến con người dễ bị lầm tưởng, để đến khi rước họa vào thân rồi mới hay biết!

Hóa giải mặt trái của vật chất

Vật chất, bên cạnh mặt lợi cũng có mặt hại. Chúng ta đang sống trong thế giới vật chất và xã hội tiêu dùng. Vậy có cách nào để giải quyết êm đẹp vấn đề phiền phức này của vật chất không? Câu trả lời là: có, vẫn có cách! Từ xa xưa, con người đã biết kềm chế tác hại của vật chất với nhiều cách làm sáng tạo sâu sắc.

Trước tiên, là phải có sự hiểu biết về vật chất để có thái độ ứng xử đúng đắn với vật chất, nghĩa là biết phát huy cái lợi đồng thời ngăn ngừa cái hại của vật chất. Biết xem vật chất chỉ là cái phương tiện chứ không phải cái mục đích. Có một nguyên tắc chung là vật chất lên đến đâu thì văn hóa đạo đức phải leo theo hóa giải đến đó. Ông bà ta ngày xưa thường hay giáo huấn con cháu về đức tính “trọng nghĩa khinh tài”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “đói cho sạch, rách cho thơm”… Phật giáo có triết lý sống “Biết đủ là đủ”, “Tri túc tâm thường lạc/Vô cầu phẩm tự cao”, nghĩa là biết đủ trong lòng thường vui sướng, không cầu cạnh phẩm giá tự nhiên cao. Phải tập sống có chừng mực, biết vui với những thứ mình đang có, không buông thả theo lòng ham muốn, vì lòng tham con người là không đáy, biết bao giờ mới đủ.

Tân trạng Trần Minh khi xưa vẫn mặc áo ngự hàn về làng, vì cho rằng “áo mão trạng nguyên là biển rộng sông sâu chia cắt tình tri kỷ”. Còn Đại huynh Nhuận Điền thì “an phận thanh bần mà lòng dạ thảnh thơi; nào ham chi khanh tướng công hầu, cái bã sang giàu làm lụy tấm thân”!

 Nghe hai huynh đệ Trần Minh và Nhuận Điền đối đáp nhau, dường như có vẻ gì đó hơi cũ kỹ lạc hậu, nhưng thật ra đầy triết lý sống, họ biết cảnh giác với tiền tài vật chất vốn nhiều “cạm bẫy”, là “cái bã” có thể thuốc chết con người! Nếu không biết hài lòng với những gì mình đang có, thì con người ta không có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại. Nên phải biết bằng lòng với những gì mình đang có, đó là phép sống mang lại hạnh phúc đích thực - biết đủ là đủ!

Phật giáo cũng sửa trị bằng phương cách diệt dục với những điều cấm kỵ nhằm hạn chế con người tiếp xúc với những thứ (vật) nhạy cảm. Phật tử tại gia thì phải tránh xa 5 thứ, gọi là ngũ giới cấm, đó là: sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, say rượu. Còn phật tử xuất gia thì phải thực hiện thêm những điều cấm kỵ nữa, như trang điểm, bôi xức dầu thơm; nằm giường nệm, giường đôi; xem ca hát, nhảy múa; giữ vàng bạc; ăn quá giờ... Phật khuyên con người nên tiêu xài khiêm tốn tiết kiệm, bằng chính cái do mình làm ra thì đó mới là chân chính, còn ngược lại, do xoay sở hoặc trộm cướp, là bất chính!

Lão giáo thì chủ trương sống “vô vi thanh tịnh”, nghĩa là sống cân bằng, hài hòa với tự nhiên, vì sống gấp theo vật chất thái quá sẽ bào mòn tâm hồn con người và phí phạm tự nhiên dẫn tới hệ lụy suy thoái.

Thế giới cũng có nhiều bài học quý về triết lý sống ít phụ thuộc vào vật chất.

Ở một số nước đã và đang nổi lên trào lưu “sống chậm”, “sống tối giản”, bởi họ cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán với lối sống công nghiệp, đô thị vội vã, ồn ào, nay họ muốn tìm về với lối sống thư thả của tự nhiên, không để lối sống vật chất làm tổn hại con người và môi trường.

Ông Lý Quang Diệu là một điển hình. Khi làm Thủ tướng Singapore, ông không đem vợ con vào dinh thự, vì sợ chúng hư hỏng bởi vật chất! Nhà riêng và chỗ nơi ông làm việc đều rất đơn giản, không phô trương vật chất xa hoa, có lẽ ông đang cảnh giác với căn bệnh quan cách quan liêu do tiếp xúc nhiều với vật chất của giới công chức!

Chỗ nơi làm việc, tiếp khách của chính phủ những nước văn minh phát triển cũng rất đơn giản, không vật chất cầu kỳ. Có lẽ họ cũng biết những ảnh hưởng mặt trái của vật chất! Muốn khắc chế tác hại của vật chất thì rất cần những giải pháp mềm mới có hiệu quả. Thế giới văn minh đã khéo tích lũy hàng kho tàng những kinh nghiệm quý giá nhưng tiếc rằng con người còn bỏ phí!

Bác Hồ với vật chất

Sở dĩ Bác Hồ đặt ra yêu cầu “Ít lòng ham muốn về vật chất” đối với người cán bộ cách mạng cũng có lý do sâu xa của vấn đề.

Là người có vốn sống rất sâu rộng về Đông Tây kim cổ, nhất là triết lý sống của tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Lão) nên Bác Hồ tuy có thực tế nhưng cũng rất cẩn trọng đối với vấn đề vật chất. Không cấm như Phật giáo, nhưng Bác đặt ra yêu cầu nghiêm khắc đối với người cách mạng là phải “ít lòng ham muốn về vật chất”.

Vì Bác biết vật chất có thể tha hóa, làm biến chất cán bộ. Cán bộ mà tham lam, xa hoa vật chất, giàu có bất chính sẽ làm mất lòng tin của dân chúng, và khi đó, cán bộ không đủ tư cách để lãnh đạo dân chúng làm cách mạng. Bác rất căm ghét tệ tham ô nhũng lạm, Bác cho đó là giặc nội xâm, nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang hồi quyết liệt, nhưng Bác vẫn nhất quyết cho xử tử đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu về tội tham ô của công.

Bác Hồ là cây đại thụ về gương sáng đạo đức. Học tập theo gương đạo đức Bác, chúng ta cần phải thực tế hơn, chỉ nên bắt đầu từ những điều gần gũi, thiết thực, trong đó có đức tính “Ít lòng ham muốn về vật chất”!

Là Chủ tịch nước nhưng Bác từng mặc áo vá vai, ở nhà sàn, đi dép cao su, cơm canh đạm bạc… Nhu cầu của Bác chỉ cần cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi.

Cách sống giản dị của Bác tuy có chút phảng phất tư tưởng “vô vi thanh tịnh” của Lão Tử, nhưng trong sâu thẳm, đó là ý thức không để vật chất làm lu mờ đi thần tượng của lãnh tụ trong lòng dân chúng, nhằm có được tư cách vững chắc mà quốc dân đồng bào đã tin tưởng trao cho Bác để Bác quy tụ toàn dân làm nên sự nghiệp vĩ đại của quốc gia dân tộc. Điều cao quý này không thể ngày một ngày hai mà dễ dàng có được. Đó là cả một quá trình phấn đấu tu dưỡng rèn luyện không mệt mỏi, có cả sự khổ luyện!

Chúng ta sống không thể thiếu vật chất, nên việc lo xa phòng ngừa chuyện tác hại của vật chất là điều hết sức hệ trọng! Thực trạng đã qua, cùng với sự phát triển của đất nước, quyền lực và vật chất cũng không ngừng lớn lên, kéo theo sự tha hóa của vật chất đối với xã hội và bộ máy công quyền, đội ngũ cán bộ cũng gia tăng hàng ngày, nhưng chúng ta chưa chủ động có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả nên đã dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.

Thiết nghĩ, đã đến lúc mọi người cần có cái nghĩ đúng đắn và cách ứng xử thông minh, có ý thức với vật chất, trong đó phải thật sự đề cao chỉ giáo “Ít lòng ham muốn về vật chất” của Bác Hồ, để mọi việc đều diễn ra xuôi chiều tốt đẹp!

LÊ HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>