Tiết kiệm và sáng tạo để dạy học chất lượng

10/07/2017 | 08:57 GMT+7

Việc tận dụng các loại phế liệu, nguyên, vật liệu dễ tìm để sáng tạo ra những đồ dùng dạy học hữu ích là việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn đem lại nhiều lợi ích trong công tác dạy học.

Cô Nguyễn Thị Thùy Mỵ, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, hướng dẫn học sinh trò chơi “Chiếc hộp bí ẩn”.

Đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi

Đến lớp học của các cháu Trường Mầm non Hoa Mai, thị xã Long Mỹ, sẽ thấy những bông hoa lung linh đầy màu sắc, chiếc đàn, chiếc trống, cỏ cây, hoa lá... đều được làm bằng từ cái chai đựng nước khoáng, vỏ đựng nước xả đồ, vỏ ốc, miếng xốp, ống nhựa... Qua bàn tay khéo léo đầy sáng tạo của các cô, những thứ bỏ đi này trở thành những đồ dùng dạy học có hồn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, cho biết: “Đôi lúc nhặt các thứ này bỏ vào túi xách mang về, bạn bè có người chọc ghẹo là để bán phế liệu, chị em khi đó chỉ biết cười…”.

Học theo Bác tinh thần tiết kiệm đã được các đảng viên, cán bộ, giáo viên của trường nhấn mạnh trong từng lần sinh hoạt chi bộ, những buổi họp chuyên môn. Mọi người nhiệt tình làm đồ dùng từ những nguyên vật liệu có sẵn, dễ tìm, ít tốn kém, nên giờ đồ dùng dạy học của Trường Mầm non Hoa Mai cũng được kha khá, đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ. Bên một góc phòng học, là mô hình Chiếc hộp bí ẩn của cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mỵ, giáo viên dạy lớp lá. Mô hình xuất sắc đoạt giải nhất tại Hội thi “Tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập” cấp tỉnh năm học 2013-2014 và đến nay vẫn phát huy tốt hiệu quả. Cô Mỵ cho biết: “Mô hình này sẽ rèn cho trẻ tính nhanh nhẹn, phát huy óc sáng tạo và rèn kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ”. Để thực hiện mô hình, cô Mỵ đã tận dụng những miếng giấy bìa cứng rồi ghép chúng lại thành một chiếc hộp lớn, trên hộp có treo rất nhiều chiếc hộp nhỏ được trang trí bắt mắt, mỗi hộp là một kho đồ chơi phong phú cho trẻ.

Công phu, tỉ mỉ, khéo léo để làm nên sản phẩm đồ dùng dạy học bằng những nguyên, vật liệu có sẵn không chỉ có riêng ở cấp học mầm non mà các cấp học khác cũng có sự sáng tạo vượt bậc. Đơn cử như mô hình “Tháp dinh dưỡng cân đối” của cô Lâm Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Vị Thanh, với việc sử dụng rất nhiều tranh ảnh minh họa, cùng với việc đa dạng hóa các hình thức chơi: thi theo nhóm, thi theo tổ hoặc giúp học sinh phân biệt các chất dinh dưỡng thông qua hình ảnh có sẵn để tăng tính ham học của học sinh. Cô Dung bộc bạch: “Tôi đã thiết kế nhiều đồ dùng dạy học trực quan để tăng tính hấp dẫn, phát huy tối đa khả năng tư duy và tính nhạy bén của học sinh trong mỗi giờ học”. Còn mô hình “Một số nông cụ sản xuất nông nghiệp” của thầy Nguyễn Xuân Biên, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Vị Thanh, với những khúc gỗ tạp, thầy đã mô phỏng lại các nông cụ: cối giã gạo, lưỡi cày, nọc cấy lúa… thật sinh động, giúp tiết học dễ nhớ, tạo được ấn tượng.

Cùng tiết kiệm để thi đua

Học theo Bác tinh thần tiết kiệm là “Không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “Không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”, nhớ những lời dạy của Người, các thầy cô đã có những việc làm thiết thực, cụ thể. Ông Đặng Thanh Ty, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Sáng tạo đồ dùng dạy học cũng là cách để nhà trường nâng cao hơn chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy, cô giáo. Nhờ áp dụng hiệu quả đồ dùng dạy học mà tiết học của giáo viên ngày càng sinh động, thu hút học sinh hơn”. Trường THCS Thuận Hưng là trường dẫn đầu của huyện trong sáng tạo mô hình độc đáo từ những nguyên, vật liệu bỏ đi.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, giáo viên dạy môn sinh của Trường THCS Thuận Hưng, bộc bạch: “Sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học tự làm sẽ giúp giáo viên nâng cao hơn trình độ và sự hiểu biết của mình, cũng như thu hút học sinh tham gia bài học”. Với mô hình “Tìm hiểu về cây xanh”, cô Anh đã có các tiết học sinh động cho bộ môn sinh lớp 8 của trường.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng mỗi năm. Năm học 2010-2011, số lượng thiết bị dạy học tự làm của giáo viên chỉ 7.316 sản phẩm, thì đến nay con số này đã tăng lên 38.677 sản phẩm. Ông Trần Hoàng Nguyên, Trưởng phòng Quản lý cơ sở vật chất - Khảo thí và Kiểm định, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay: “Ngoài tích cực động viên đội ngũ thầy, cô giáo chủ động sáng tạo, ngành giáo dục cũng tổ chức hội thi “Giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập”, nhằm tạo điều kiện để giáo viên và học sinh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, bổ sung vào kho thiết bị dạy học còn thiếu hiện nay”.

Nhiều trường định hướng làm đồ dùng dạy học sẽ là công việc thường xuyên và đó cũng là cách góp phần xây dựng hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” để học sinh noi theo.

38.677 sản phẩm đồ dùng dạy và học do giáo viên và học sinh tự làm

Để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu cho các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh phê duyệt nguồn kinh phí dành cho mua sắm trang, thiết bị dạy học giai đoạn 2017-2019 là 15 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng và bảo quản các trang thiết bị được cấp kết hợp với tăng cường nghiên cứu, thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>