Tôi làm để con cháu hưởng

04/10/2023 | 08:03 GMT+7

Học và làm theo gương Bác với đa số cán bộ, đảng viên là sự nhiệt tình, tâm huyết, luôn tìm tòi, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Riêng với những nông dân chân lấm tay bùn thì việc học Bác đôi khi là sự cần cù, chịu khó, tinh thần hăng say lao động, sáng tạo trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho địa phương.

Lão nông Lê Hữu Ngươn (Tám Ngươn), ở ấp Tân Trị, xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, là một trong những tấm gương như thế.

“Tuổi cao, tôi tự nhủ cần tranh thủ thời gian còn lại của mình nên làm những gì có ích cho xã hội. Già thì lao động bằng trí tuệ, có lao động thì con người mới minh mẫn, hoạt bát. Mặt khác, lao động chân tay theo sức tuổi già để tăng cường sức khỏe, không nên lãng phí thời gian”, ông Tám Ngươn chia sẻ.

Năm nay, ông Tám Ngươn đã 80 tuổi - cái tuổi nhiều người nghỉ ngơi, an hưởng, nhưng với tâm niệm ấy, hàng ngày, ông vẫn cần cù, chăm bẵm  mảnh vườn xanh tốt của mình.

Ông Tám Ngươn có 6 người con, giờ đã trưởng thành, ruộng đất chia đều hết. Ông còn 1ha ruộng dành cho người con trai út đang ở chung với vợ chồng ông canh tác; còn 1ha vườn ông kêu để tự ông chăm.

Thời gian trước, vườn của ông trồng cam, quýt nhưng dần không mang lại hiệu quả bởi dịch bệnh vàng lá nên đã cải tạo trồng măng cụt với hơn 100 gốc, đã cho trái được 5 năm và thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi năm. Trong vườn măng cụt, ông trồng xen 200 gốc bòn bon Thái và vú sữa Mika. Điều đáng nói là ông đầu tư hẳn hệ thống tưới tự động khắp khu vườn, tiết kiệm được sức lao động. Nếu tính năm sau các loại cây này đều cho thu hoạch thì ông Tám Ngươn có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ngoài kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ông Tám rất chủ động tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà ngành chuyên môn và địa phương tổ chức. Hễ ở đâu có mô hình hay, cách làm mới là ông tìm đến tận nơi để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, áp dụng hiệu quả vào việc canh tác của gia đình.

“Tôi học Bác sự cần cù, yêu thích lao động để làm giàu cho gia đình mình và đóng góp cho xã hội. Còn sức khỏe là tôi còn lao động, mình làm để dành lại cho đời con cháu mình hưởng, giống như Bác Hồ hết lòng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc để đem tự do, hạnh phúc, ấm no cho thế hệ sau này”, ông Tám Ngươn cho biết.

Mong muốn của lão nông này là bà con xóm ấp cần nên tận dụng tối đa diện tích đất của gia đình để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho xã hội; với mình, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mà mình có được trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Trị 2, thông tin thêm: “Ông Tám Ngươn còn là người có uy tín vận động nông dân trong vùng tham gia kinh tế tập thể, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của trạm bơm điện để nhắc nhở bơm tưới kịp thời, phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, năng suất lúa của khu vực này đều đạt, khiến nông dân hết sức phấn khởi”.

Nhận thức và hành động tích cực của ông Tám được Đảng ủy xã đánh giá cao. “Ông Tám Ngươn là một trong những nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những cái hay, cái mới trong sản xuất và áp dụng thành công vào điều kiện thực tế của gia đình, đến nay mô hình phát triển kinh tế của hộ ông Tám đang ngày càng cho thấy hiệu quả thiết thực, được địa phương quan tâm và nhân rộng. Không những vậy, ông còn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ông Tám là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Đúng, cán bộ Tuyên giáo Đảng ủy xã Tân Phú, nhận xét.

Hàng ngày, ông Tám trích một phần thu nhập của gia đình để đóng góp vào các nguồn quỹ tại địa phương. Tuyến đường gần 1km từ đê Năm Thước đến Nhà văn hóa ấp Tân Trị 2, qua nhiều lần được ông Tám Ngươn vận động các hộ dân tự bỏ kinh phí đắp nền hạ, rải đá và đổ bê tông, giờ đã giúp cho người dân thuận tiện trong việc đi lại, học sinh đi học không chịu cảnh sình lầy.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>