Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội

07/07/2023 | 09:36 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 6-7, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chủ trì hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu Hậu Giang dự hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang có ông Trần Văn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát. Nội dung giám sát được tập trung vào nhiều lĩnh vực, trọng tâm là công tác xây dựng Đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp...

Về phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức được 14 hội nghị phản biện. Sau các hội nghị phản biện đều có văn bản gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Riêng ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.

Tại Hậu Giang, 5 năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức trên 1.800 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến các nội dung như: quản lý tài nguyên đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, chế độ chính sách người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức phản biện xã hội 210 cuộc về các dự án luật liên quan đến đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tốt với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong công tác giám sát như: tổ chức 102 điểm tiếp xúc cử tri với khoảng 21.000 cử tri tham dự, có hơn 2.440 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Qua đây, tạo cầu nối, một kênh thông tin quan trọng để phát huy dân chủ, trí tuệ, phản ánh mọi tâm tư, nguyện vọng của cử tri, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác này nói chung và Nghị quyết liên tịch số 403 nói riêng, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị hệ thống MTTQ từ Trung ương tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội hiểu rõ và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Nhấn mạnh tới yêu cầu MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm tốt hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng trong thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội cần có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ở phạm vi toàn quốc, tiếng nói của Mặt trận mới giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có cái nhìn tổng quát và đạt được yêu cầu hoạt động giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức…

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>