Nhiều kết quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội

11/07/2018 | 09:08 GMT+7

Đó là đánh giá của ông Lê Minh Đang (ảnh), Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh, qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217 về ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quyết định số 217) và Quyết định số 218 ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền (Quyết định số 218) của Bộ Chính trị khóa XI trên địa bàn tỉnh.

Xin ông cho biết kết quả cụ thể ?

- Ngay từ đầu năm 2014, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã chủ động triển khai nghiêm túc nhiệm vụ giám sát theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị khóa XI trên cơ sở các hướng dẫn và định hướng công tác giám sát hàng năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát.

Cụ thể trong 5 năm qua, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chủ trì giám sát 64 nội dung, vụ việc, trong đó UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì giám sát 25 nội dung, vụ việc và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh giám sát 39 nội dung, vụ việc. Từ kết quả giám sát, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã ban hành 64 kiến nghị sau giám sát gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đã được các cơ quan, tổ chức ghi nhận, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của cơ quan, đơn vị mình.

Trong khi đó, UBMTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì giám sát 168 nội dung; phối hợp giám sát với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp được 172 nội dung. Riêng UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đã chủ trì giám sát 435 nội dung.

Về phản biện xã hội, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức được 2 nội dung phản biện với hình thức tổ chức hội nghị phản biện. Trong đó, năm 2017 tổ chức hội nghị phản biện dự thảo “Đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì soạn thảo; dự kiến cuối tháng 9-2018 tiếp tục tổ chức hội nghị phản biện dự thảo “Dự án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện tổ chức thực hiện phản biện xã hội 11 nội dung, với hình thức gửi văn bản góp ý vào các dự thảo kế hoạch, đề án, dự án. Đối với UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã chỉ thực hiện hình thức góp ý vào nghị quyết đại hội đảng bộ cấp xã, các dự thảo nghị quyết, chương trình, kế hoạch của đảng ủy, HĐND và UBND cùng cấp gửi đến, với hơn 760 văn bản các loại.

Đối với việc thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị khóa XI, UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 4697 ngày 5-10-2015 về việc ban hành Quy định về trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và Quyết định số 135 ngày 23-12-2015 về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch lắng nghe ý kiến Nhân dân, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền triển khai trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên.

Kết quả đã tổ chức 227 cuộc tiếp xúc, đối thoại trong 5 năm qua. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện được 4 cuộc; cấp huyện thực hiện được 86 cuộc; cấp xã thực hiện được 138 cuộc. Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị đóng góp ý kiến các dự thảo văn bản luật theo đề nghị của các cơ quan soạn thảo ở Trung ương, cũng như nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh ban hành...

Việc thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị khóa XI trên địa bàn tỉnh còn gặp phải khó khăn, hạn chế gì, thưa ông ?

- Qua quá trình tổ chức thực hiện thì một số đoàn thể chính trị - xã hội, MTTQ cấp huyện, cấp xã vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Nội dung giám sát có đơn vị lựa chọn còn chưa sát tình hình thực tế ở ngành, địa phương; phương pháp giám sát còn chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn. Công tác phản biện chưa thật sự rõ nét. Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền.

Cần thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ gì để thực hiện tốt hơn nữa Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị khóa XI thời gian tới, thưa ông ?

- UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có chiều sâu các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác giám sát, phản biện xã hội; xây dựng quy trình lắng nghe ý kiến Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để triển khai thực hiện trong hệ thống MTTQ các cấp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, kỹ năng của cán bộ Mặt trận chuyên trách và Trưởng ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư. Ngoài ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn ủy ban MTTQ, ủy viên ủy ban MTTQ các cấp, người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo và các chuyên gia trong các lĩnh vực trong việc tham gia các hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ...

Xin cảm ơn ông !

TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>