ĐBSCL vào đợt hạn mặn khốc liệt

22/04/2024 | 08:16 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa khô, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước ngọt khá trầm trọng ở nhiều nơi. Điều này cho thấy thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường.

Bài 1: Hạn mặn bủa vây

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, do ảnh hưởng của El Nino nên hạn mặn sẽ còn kéo dài sang tháng 5-2024. Đặc biệt là tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cục bộ ở nhiều nơi, cần phải có giải pháp ứng phó hiệu quả.

Cán bộ chuyên môn Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang tăng cường kiểm tra nồng độ mặn tại các điểm sông chính trên địa bàn tỉnh.

Nồng độ mặn gia tăng

Trung tuần tháng 4, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế tăng dần, độ mặn tại các trạm ở mức lớn hơn độ mặn cao nhất tháng 4-2023. Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 90-110km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 55-60km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 50-60km; sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 40-50km; sông Cái Lớn, phạm vi xâm nhập mặn 45-55km.

Theo số liệu quan trắc của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vào ngày 21-4, nồng độ mặn đo được ở UBND xã Lương Nghĩa đã lên mức 10,6‰, còn ở cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa là 9,7‰, ngã ba sông Nước Trong là 10,7‰, kênh Lầu, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh ở mức 11‰, bến phà Ngan Dừa, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ là 9,3‰, các điểm đo ở Khu căn cứ Tỉnh ủy, kênh Năm, kênh Mới, ở xã Hỏa Tiến cũng ở mức từ 2,1-7,5‰... Nồng độ này đã tăng từ 2-7‰ so với đầu tháng 4 và tăng từ 1,5-6,1‰ so với cùng kỳ năm 2020 tại một số điểm đo chính.

Bà Thị Hương, ở phường IV, cho biết do nguồn nước mặt thấp, phải canh thời điểm sáng sớm để bơm bước tưới cho rẫy bắp.

Với dự báo nồng độ mặn tại tỉnh Hậu Giang còn duy trì ở mức cao trong thời gian tới, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, đã yêu cầu ngành chức năng và các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi, chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn tăng cao. Các địa phương có mặn xâm nhập khuyến cáo người dân không lấy nước lên đồng. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Ghi nhận tại một số địa phương của huyện Long Mỹ, các cống ngăn mặn thuộc dự án đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh đã được ngành chức năng đóng lại không cho nước tràn vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân, đặc biệt là tuyến sông cái Ngan Dừa, hướng mặn từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu tràn về. Còn dọc đê bao ngăn mặn ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, các cống ngăn mặn cũng được triển khai đóng từ sớm để ngăn nước mặn với nồng độ cao từ hướng huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang tràn vào địa bàn.

Theo ngành chức năng thành phố Vị Thanh, toàn thành phố có 120 cống hở và cống ngầm; trong đó thành phố quản lý 36 cống hở và 42 cống ngầm, số còn lại do tỉnh quản lý. Hiện tại, những khu vực nào có nồng độ mặn vượt mức 1,5‰ thì ngành chức năng thành phố và tỉnh đã tiến hành đóng các cống hở và cống ngầm nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho hay năm nay hạn mặn gay gắt, các cống bí lại sớm nên các kênh trong nội đồng hiện nay mực nước rất thấp, người dân rất khó lấy nước bơm tưới trong sản xuất hoặc sinh hoạt những ngày nước kiệt. Nếu tình trạng xâm nhập mặn kéo dài thì người trồng lúa, hoa màu, thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ở vùng trồng khóm thuộc xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, lúc này cũng vậy. Do nước mặn với nồng độ cao lấn sâu vào cống kênh Lầu nên người trồng khóm cũng phải canh thời điểm nước ngọt để lấy tưới cho cây trồng. Theo nhiều hộ dân nơi đây, mặc dù cây khóm chịu hạn, mặn tốt nhưng ở mức độ vừa phải, chứ nồng độ mặn cao như hiện nay thì tưới vào cây khóm cũng không thể nào sống nổi. Nếu tình trạng nắng nóng, hạn mặn còn kéo dài thì người trồng khóm ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng như xã Vĩnh Viễn A của huyện Long Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Thị Hương, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Những ngày qua nghe thông tin nồng độ mặn tăng cao, trước khi bơm nước tưới cho rẫy bắp, tôi đều kiểm tra nồng độ mặn. Để phòng khi nước mặn tràn về không hay mà tưới vào thì thiệt hại sẽ nặng nề. Với 2 công bắp, cứ 2 ngày là phải tưới một lần, chi phí bình quân cũng khoảng 150.000 đồng/ngày, trong khi bắp còn khoảng 30 ngày nữa mới thu hoạch trái nên chi phí vụ này sẽ rất cao. Điều đáng nói là nguồn nước mặt ở các kênh rạch thấp nên việc bơm tưới cho cây trồng cũng gặp khó”.

Chủ động ứng phó

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4-2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông; từ đó làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô.

Mới đây, UBND tỉnh Long An cũng đã công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4, do tác động nặng nề của xâm nhập mặn khiến nhiều huyện vùng hạ của tỉnh thiếu nước ngọt để sản xuất nông nghiệp, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Còn tỉnh Tiền Giang vào đầu tháng 4 này, cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra như tổ chức vận chuyển nước về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất nước sinh hoạt cho Nhân dân trên địa bàn huyện. Khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt bổ cấp nước vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt...

Riêng tại Hậu Giang, ngành chức năng tỉnh dự báo toàn tỉnh có khoảng 150.000-170.000ha đất sản xuất nông nghiệp đối diện với nguy cơ bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, vùng nguy cơ bị hạn hán có tổng diện tích ước tính khoảng 90.000-110.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, vụ lúa Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Còn vùng nguy cơ bị xâm nhập mặn có tổng diện tích ước tính khoảng 50.000-60.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, vụ lúa Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Vì vậy, ngay từ khi bước vào mùa khô 2023-2024, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tăng cường công tác dự báo dài hạn để có các phương án phòng tránh; thông tin, truyền thông xuống cộng đồng để người dân chuẩn bị trữ nước ngọt. Đồng thời, có biện pháp điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương. Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô để chủ động các giải pháp ứng phó; xây dựng kế hoạch nạo vét các tuyến kênh, rạch nội đồng, trục vớt lục bình khơi thông dòng chảy, không làm ô nhiễm các tuyến kênh, rạch đảm bảo khả năng trữ nước tối ưu nhất. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan trong việc quan trắc độ mặn; có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối hợp lý đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước bên trong nội đồng một cách tốt nhất để phục vụ sản xuất. Có các giải pháp tốt nhất thực hiện ngăn mặn bảo vệ sản xuất cho các khu vực chưa có cống điều tiết ngăn mặn.

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cũng đã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung đã có chủ trương, nguồn vốn, nhất là các công trình cấp nước tại khu vực khan hiếm nguồn nước ngọt; tổ chức nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn và hệ thống kênh cấp I, II, III do tỉnh và cấp huyện quản lý đầu tư. Vận hành linh hoạt các cống do tỉnh quản lý như vận hành đóng, mở các cửa cống từ Ba Voi đến cống 8.000 thuộc Tiểu dự án Ô Môn - Xà No; đê bao Long Mỹ - Vị Thanh. Khi mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰ phải đóng các cửa cống theo diễn biến của mặn.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng tới đây tình hình xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn diễn ra gay gắt, khó lường nên ngành chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh không được lơ là mà tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo kế hoạch đề ra. Trong đó, đảm bảo công tác kiểm tra nồng độ mặn hàng ngày tại những điểm chính, sau đó thông báo kịp thời đến với người dân và chính quyền địa phương để chủ động ứng phó xâm nhập mặn vào từng thời điểm cụ thể. Nếu hạn mặn kéo dài thì nguy cơ sẽ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở khu vực Nam bộ khả năng tập trung trong tháng 4-5/2024 (từ 22-28/4, từ 7-11/5). Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

 

HOÀI THU - HỮU PHƯỚC

----------------------

Bài 2: Nỗi lo thiếu nước ngọt

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>