Đa dạng mô hình phát triển kinh tế

05/12/2023 | 06:48 GMT+7

Thời gian gần đây, thành phố Ngã Bảy đã nỗ lực tập trung triển khai thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Mô hình trồng sầu riêng theo chuẩn GlobalGAP của HTX Nông nghiệp Đông An đang được nhân rộng và phát triển.

Là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố Ngã Bảy tập trung quan tâm đến việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, tích cực hỗ trợ người dân cũng như lựa chọn nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Những mô hình này có tính chất bền vững trước biến động của thị trường, nhờ sự linh hoạt, thích ứng tốt với cuộc cách mạng công nghệ của người dân mà sự phát triển kinh tế trên địa bàn ngày càng được nâng cao.

Chỉ riêng xã Đại Thành đã có 3 mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao. Một trong số đó là mô hình “Trồng mít kết hợp nuôi dê thương phẩm” của ông Lê Văn Hùng, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành. Ông Hùng đã tận dụng 1,5ha vườn trồng mít để nuôi thêm dê tạo thu nhập, hiện ước tính mỗi năm ông thu được 30 tấn mít trái, với giá bán bình quân khoảng 20.000 đồng/kg. Với cách làm kết hợp trên, hàng năm gia đình ông Hùng có nguồn thu nhập từ 400-500 triệu đồng. Mô hình này giúp ông thu lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, phải kể đến mô hình “Vận động người dân chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với chuỗi giá trị” trên địa bàn phường Hiệp Thành và Lái Hiếu. Qua 4 đợt vận động, cuối năm 2019, người dân đã đồng thuận chuyển đổi 31ha đất trồng mía sang trồng chanh không hạt. Đến năm 2021, những diện tích trồng chanh không hạt đầu tiên tại khu vực 7 bắt đầu cho trái. Nhờ tích cực liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài địa bàn, sản phẩm chanh của người dân có được đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với thị trường.

Ngoài việc nhân rộng các mô hình đã có hiệu quả, năm 2023, thành phố phát triển mới thêm 9 mô hình, phê duyệt 5 dự án hỗ trợ cộng đồng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững cho 2 xã Đại Thành và Tân Thành. Phát triển mô hình trồng sầu riêng theo chuẩn GlobalGAP đối với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông An, xã Tân Thành gắn với sản phẩm OCOP sầu riêng Ri6 đạt chuẩn 3 sao và trồng chanh không hạt theo chuẩn GlobalGAP đối với HTX Nông nghiệp Cáo Thắng, phường Hiệp Thành; mô hình trồng rau an toàn gắn với tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn phường Hiệp Lợi; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện 2 mô hình là trồng chanh không hạt theo chuẩn GlobalGAP đối với HTX Tiến Linh, phường Hiệp Lợi và HTX Phước Thịnh, phường Lái Hiếu và mô hình trồng mít theo chuẩn GlobalGAP đối với tổ hợp tác trồng mít ở xã Đại Thành.

Các mô hình này đã giúp tăng thu nhập cho người dân, cũng như góp phần gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng giảm do tốc độ đô thị hóa. Tổng kết mô hình “Vận động người dân chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với chuỗi giá trị” cho thấy thu nhập của người trồng chanh cao hơn từ 5-7 lần so với người trồng mía. Mô hình “Nuôi dê sinh sản tận dụng phụ phẩm từ cây mít” đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Mô hình “Nuôi ếch, nuôi lươn thương phẩm liên kết theo chuỗi giá trị” cho thấy hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với các vật nuôi khác, phù hợp với điều kiện của kinh tế đô thị, thân thiện với môi trường.

Từ những hiệu quả kinh tế, trong năm 2023, thành phố đã “vận động người dân trên địa bàn chuyển đổi sang trồng chanh không hạt theo hướng tập trung chuyên canh” gắn với liên kết với các doanh nghiệp được 76,8ha, nâng tổng diện tích trồng tập trung của thành phố lên 388ha. Mô hình “Nuôi dê sinh sản tận dụng phụ phẩm từ cây mít” đã phát triển tổng đàn được 167 con; mô hình “Nuôi ếch, nuôi lươn thương phẩm liên kết theo chuỗi giá trị” đã thành lập mới được 1 HTX nuôi lươn với 18 thành viên.

Quan tâm đến các mô hình trên địa bàn, chính quyền các cấp thành phố Ngã Bảy đã có nhiều chính sách như hỗ trợ 50% tiền mua cây, con giống; hỗ trợ 100% phần chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, hội thảo đầu bờ; đồng thời làm cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất và HTX. Đối với các HTX mới thành lập, thành phố hỗ trợ 100% các chi phí về lập hồ sơ, thủ tục ra mắt HTX. Ngoài ra, thành phố còn đầu tư 50% chi phí các công trình phục vụ sản xuất; hỗ trợ trực tiếp 50% chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức phê duyệt của UBND tỉnh.

Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho biết: Qua triển khai, tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn đã nâng cao thu nhập cho người tham gia, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phường văn minh đô thị nâng cao trên địa bàn thành phố Ngã Bảy. Đây là tín hiệu đáng mừng khi các mô hình đang ngày càng đạt được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội tại địa bàn.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>