Để vườn cây ăn trái phát triển trong mùa nắng

09/05/2024 | 18:07 GMT+7

Biến đổi khí hậu đang gây ra tác động tiêu cực đối với nhiều loại cây trồng, đặc biệt tình hình khô hạn kết hợp với nắng nóng diễn ra gay gắt, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng trái của nhiều loại cây trồng, mà còn có thể gây chết cây. Trước vấn đề này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo vườn cây ăn trái đạt hiệu quả khi thu hoạch.

Chị Nguyễn Thị Hồng Mơ, ở ấp Ba, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, kiểm tra hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn dâu tằm và sầu riêng.

Chủ động từ người dân

Hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại nhiều địa phương thời gian gần đây, đã gây nhiều tác động tiêu cực đến vườn cây ăn trái nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung trên địa bàn tỉnh. Nắng nóng với nền nhiệt cao dễ làm cho nhiều loại cây ăn trái bị khô héo và suy kiệt nếu không được cung cấp nước tưới cùng các chất dinh dưỡng một cách phù hợp và kịp thời. Trong điều kiện thời tiết bất lợi hiện nay, nhiều loại cây ăn trái cũng dễ bị tấn công bởi các loại sâu bệnh và dịch hại do có sức đề kháng yếu, dẫn đến nhiều mối nguy hại cho cây trồng.

Ông Trần Việt Quốc, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng được khoảng 1,3ha chanh không hạt, các gốc đã được 3 năm tuổi và đang cho trái. Để đảm bảo vườn chanh được phát triển và cho thu hoạch tốt, tôi đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc như không làm sạch cỏ trong vườn, nhằm giữ độ ẩm cho đất và cây trồng, bón phân hữu cơ dạng bột và tưới cây vào thời gian phù hợp để đảm bảo cây không bị sốc nhiệt và sốc nước. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góc sinh học cũng giúp cây mát mẻ và phát triển tốt hơn dưới ánh nắng gay gắt hiện nay. Đặc biệt, luôn chủ động dự trữ nước trong mương vườn và sử dụng máy để tưới nước cho cây, đảm bảo cung cấp nước đủ cho từng gốc, tránh phải dùng nước mặn tưới cây hoặc để cây khô hạn thì vườn chanh coi như mất trắng”.

Tương tự, ông Trần Việt Mỹ, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Vườn của tôi trồng được 7 công sầu riêng 7 năm tuổi đang cho trái. Để bảo vệ vườn cây trong tình hình nắng hạn diễn ra gay gắt như hiện nay, tôi phải thường xuyên thăm vườn để đảm bảo cung cấp nước tưới đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, tôi còn sử dụng cây lục bình, cùng các loại cây cỏ và bồi sình cho gốc cây để giữ độ ẩm, giúp cây phát triển tốt. Tuy nhiên, việc bồi sình chỉ áp dụng cho những gốc sầu riêng còn nhỏ, còn cây lớn đang cho trái thì không thực hiện được, vì sợ ảnh hưởng đến trái và bộ rễ của cây”.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch UBND thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, hiện diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 424ha, tăng 114ha so với cùng kỳ. Để phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái, tránh thiệt hại trong mùa nắng nóng, địa phương đã nhanh chóng khai thông dòng chảy, nạo vét các kênh bị bồi lắng, nhằm đảm bảo lượng nước trong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền để người dân dự trữ nước trong ao nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ tưới tiêu cho cây, hạn chế làm sạch cỏ trong vườn vào mùa nắng, nhằm giữ ẩm cho cây, cũng như khuyến cáo bà con nông dân hạn chế bón phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ để giữ ẩm cho đất và cây trồng, làm giảm sự thoát hơi nước của cây.

Thực hiện nhiều giải pháp

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh khoảng 45.800ha, tăng 669ha so với cùng kỳ. Diện tích trồng tập trung tại các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy… Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên rà soát, thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và dự báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn kịp thời. Qua đó, xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý và triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn; công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động giữa các ngành chức năng các cấp cùng với bà con nông dân, đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng thời, để tránh các thiệt hại trong mùa nắng, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Phối hợp địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện,… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho các loại cây trồng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2024. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi và phối hợp địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước để thông tin kịp thời đến người sản xuất, chủ động có giải pháp ứng phó. Hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ với các giải pháp bảo vệ và chăm sóc cây ăn trái trước, trong và sau mùa khô theo khuyến cáo một cách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn sản xuất từng địa phương thông qua các hình thức tuyên truyền như: tập huấn, hội thảo, bản tin thời tiết nông vụ...

Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh còn thực hiện công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại và thông tin kịp thời, chính xác đến người dân về các biện pháp kỹ thuật bảo vệ sản xuất. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường bố trí cán bộ đo nồng độ mặn thường xuyên để kịp thời cập nhật, khuyến cáo sớm cho người dân chủ động trong việc sử dụng nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

Người dân dùng màng phủ nông nghiệp để chống nóng cho vườn cây.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán, rà soát, củng cố hệ thống kênh, mương vườn, nhất là hệ thống bờ bao xung quanh để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập… đảm bảo đủ nước ngọt tưới cho cây trong mùa khô. Chủ động tích trữ nguồn nước ngọt. Áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm như lắp đặt hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, đúng thời điểm và vừa đủ nước. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu hữu cơ có sẵn như rơm rạ, cỏ khô, lục bình,… để giữ ẩm cho đất giúp cây tránh bị nắng nóng. Tỉa bớt cành nhánh già cỗi, bị sâu bệnh, các chùm sai quả,… giúp giảm áp lực tiêu thụ nước trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Tạo sự thông thoáng trong vườn cây, hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại và giúp cây tăng khả năng quang hợp. Đồng thời trong mùa nắng nóng cũng không để cây mang trái quá nhiều, nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ. Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm dịch hại, phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.

“Ngoài ra, trong điều kiện nắng nóng cũng làm giảm sự hấp thu của các chất trung và vi lượng, do đó để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình hình nắng nóng khi bón phân, bà con nông dân có thể phun thêm các loại phân bón lá có chứa các chất trung và vi lượng, tăng cường bón các loại phân kali, canxi để nâng cao sức chống chịu của cây trồng. Không tiến hành trồng mới cây trồng trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước tưới. Tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong thời điểm nắng nóng này. Bên cạnh đó, tình trạng mưa trái mùa cũng có khả năng xuất hiện trong mùa nắng nên bà con nông dân cần chú ý để có giải pháp phòng tránh và chủ động hạn chế hiện tượng sốc nước do mưa trái mùa gây nứt trái, rụng trái và khiến cây đâm chồi ngoài ý muốn”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>