Lúa Thu đông đầu vụ: Nhiều niềm vui

01/10/2018 | 08:11 GMT+7

Hiện một số vùng xuống giống lúa Thu đông sớm trên địa bàn huyện Vị Thủy, nông dân đã và đang vào vụ thu hoạch; riêng những diện tích chưa thu hoạch thì bà con tích cực phòng trừ một số dịch hại, cũng như phòng chống lũ để bảo vệ năng suất lúa.

Nông dân huyện Vị Thủy khẩn trương thu hoạch lúa Thu đông đầu vụ.

Phấn khởi thu hoạch lúa đầu vụ

Những ngày này, tại một số cánh đồng lúa ở các ấp 11, 12 và 13, xã Vị Trung (một trong những cánh đồng xuống giống lúa Thu đông sớm nhất của huyện Vị Thủy), không khí bà con vào vụ cắt lúa rất nhộn nhịp vì năng suất và giá bán lúa hiện tại cho nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Đang xem máy cắt thu hoạch gần 5 công ruộng (giống lúa OM 5451) của gia đình, ông Phạm Văn Quý, ở ấp 12, xã Vị Trung, cho biết: “Mấy hộ vừa cắt trước có năng suất từ 600-700kg/công và chắc ruộng của tôi cũng không ngoại lệ. Với năng suất hiện tại thì cao hơn khoảng 300kg/công so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hiện giá lúa tươi được thương lái cân tại ruộng dao động từ 5.000-5.100 đồng/kg (tùy theo lúa tốt hay xấu). Như vậy, với việc ước tính chi phí đầu tư trong vụ này là khoảng 1,5 triệu đồng/công thì sau khi bán lúa xong, nông dân có thể kiếm được nguồn lợi nhuận 2 triệu đồng/công”.

Cách ruộng ông Quý không xa, ông Nguyễn Văn Em cũng đang xem máy cắt thu hoạch 2,3ha lúa của gia đình và thông tin: “Vụ lúa Thu đông năm rồi do bị bệnh bạc lá nhiều và cộng thêm bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt nên dẫn đến năng suất lúa thấp, có hộ chỉ đạt 300kg/công. Năm nay, bà con rút kinh nghiệm trong việc chủ động phòng ngừa các loại dịch hại, từ đó mà năng suất lúa đạt như mong muốn, cộng với giá lúa ở mức cao nên bà con rất phấn khởi khi cắt lúa trong lúc này”.

Mặc dù năng suất và giá lúa Thu đông đầu vụ ở huyện Vị Thủy tương đối chiều lòng nông dân nhưng để việc thu hoạch lúa được thuận lợi thì không phải là chuyện dễ dàng. Bởi theo bà con, những ngày gần đây, lũ đầu nguồn đang về sớm và dâng cao trên các tuyến kênh, những nơi có bờ kênh thấp, nước tràn vào và gây ngập gần tới bông lúa. Do đó, nông dân phải tích cực gia cố những đoạn bờ kênh thấp và các trạm bơm cũng tổ chức bơm thoát nước liên tục trên ruộng để máy cắt có thể vào thu hoạch lúa được. Ông Nguyễn Văn Nam, ở ấp 13, xã Vị Trung, chia sẻ: “Khoảng 10 ngày qua, trạm bơm nơi đây hoạt động thường xuyên để giúp bà con rút nước trên ruộng ra ngoài. Khi thấy thời tiết thuận lợi và nước trên đồng vừa khô thì các máy cắt sẽ tranh thủ vào thu hoạch lúa cho nông dân. Do nền đất mềm nên tiến độ thu hoạch có phần chậm nhưng vẫn đảm bảo lúa chín đến đâu cắt hết đến đó. Về giá thuê máy cắt không có gì thay đổi, dao động từ 280.000-330.000 đồng/công (tùy theo lúa đứng và mức độ sập). Riêng năng suất lúa nơi đây thì cũng giống như các cánh đồng đang cắt khác là ở mức từ 600-700kg/công”.

Vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân huyện Vị Thủy xuống giống được 14.007ha. Vào thời điểm này, bà con đã thu hoạch khoảng 1.000ha, ước năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho hay: Diện tích lúa Thu đông thu hoạch đầu vụ trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở một số cánh đồng xuống giống sớm của xã Vị Trung và Vị Đông. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa, bà con nông dân sẽ vào đợt thu hoạch rộ. Với năng suất bình quân hiện tại là 5,4 tấn/ha thì tương đương với cùng kỳ nhưng khả năng, năng suất lúa vụ này sẽ tăng hơn do tình hình dịch bệnh được nông dân kiểm sót tốt.

Tiếp tục phòng ngừa các dịch hại trên lúa

Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, trong tổng số diện tích lúa Thu đông chưa thu hoạch (khoảng 13.000ha) thì có gần 9.000ha đang trong giai đoạn trổ - chín nên phần nào đỡ lo về các loại dịch hại tấn công, riêng diện tích khoảng 4.000ha trong giai đoạn làm đòng thì nông dân cần phải chủ động phòng, trừ các loại dịch hại thường xuất hiện trong giai đoạn này để bảo vệ năng suất lúa tốt nhất khi thu hoạch. Trong đó, một trong những loại dịch hại nguy hiểm và có thể làm giảm năng suất lúa đáng kể mà nông dân cần quản lý tốt trong điều kiện thời tiết nắng, mưa xen kẽ khi lúa đang ở giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trổ là bệnh bạc lá. Bởi, qua ghi nhận đến cuối tháng 9, toàn huyện Vị Thủy có 306ha lúa Thu đông bị nhiễm bệnh bạc lá, trong đó có 243ha bị nhiễm nhẹ với tỷ lệ từ 10-15% và có 63ha nhiễm trung bình với tỷ lệ từ 20-30%. Hiện bệnh bạc lá chủ yếu ở cấp 5-7 và gây hại trên các trà lúa giai đoạn làm đòng đến trổ, phân bố tất cả các xã.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết thêm: Ngoài đối tượng bệnh bạc lá, nông dân cũng cần theo dõi và phòng trị bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, đốm vằn… vì đây là những bệnh cũng đang xuất hiện rải rác và ít nhiều sẽ làm giảm năng suất lúa cho bà con. Bên cạnh phòng trừ dịch hại thì điều mà nông dân và chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm trong lúc này là tiếp tục kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao, cống, đập, bờ kênh… nhằm bảo vệ diện tích lúa chưa thu hoạch được tốt trước tình hình lũ đang về sớm và khả năng còn dâng cao trong những ngày tới…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>