Xử lý vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng: Còn nhiều bất cập

07/06/2017 | 08:25 GMT+7

Vấn đề bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của người dân. Tuy nhiên, khi ngành chức năng siết chặt công tác quản lý và phát hiện vi phạm thì lại gặp không ít khó khăn trong khâu xử lý nên tính răn đe không cao, từ đó hàng giả, hàng kém chất lượng luôn xuất hiện trên thị trường.

Nông dân rất lo lắng về vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng tràn vào địa bàn. 

Tăng cường kiểm tra

Gắn bó với nghề trồng lúa hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ cũng giống như nhiều bà con nông dân nơi đây luôn trăn trở với tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng, nhất là tình trạng này ngày càng được các đơn vị sản xuất thực hiện tinh vi. Theo ông Tuấn, những năm qua, hơn 1ha ruộng của ông mỗi lần đến ngày gieo sạ hay lúc cần sử dụng thuốc BVTV thì ông đến một số cửa hàng bán vật tư nông nghiệp quen gần nhà để mua về sử dụng. Có lần phân rải thấy lúa phát triển tốt, có khi thì không bằng; còn thuốc BVTV thì có lúc xịt hết bệnh, có khi thì không nên phải đổi thuốc mới, vừa tốn công, lại tốn chi phí. “Không biết là sản phẩm có làm giả hay làm kém chất lượng hay không, điều này chỉ có ngành chức năng kiểm tra mới biết, chứ nông dân khó phát hiện được. Rút kinh nghiệm, những năm gần đây, tôi thường chọn mua phân bón của các công ty có uy tín cho an tâm, còn thuốc thì đành chịu vì trên thị trường rất đa dạng về chủng loại và mẫu mã”, ông Tuấn chia sẻ.

Cùng nỗi trăn trở về tình hình phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, ông Nguyễn Văn Bền đang rải phân cho 8 công ruộng của gia đình ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Từ trước đến nay, mua vật tư nông nghiệp về sử dụng tuy chưa gặp hàng giả nhưng hàng kém chất lượng thì khó tránh khỏi, nhất là thuốc BVTV. Bởi đây là mặt hàng rất nhiều chủng loại, tuy trên bao bì ghi công dụng của từng loại thuốc là như vậy, nhưng thật sự bên trong mỗi bao, chai thuốc là như thế nào thì chỉ có ngành chức năng kiểm tra mới biết. Còn nông dân tụi tôi chỉ đọc thấy phù hợp thì mua về dùng cho ruộng lúa của mình. Do đó, người dân rất mong cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý để bà con tránh mua nhầm hàng kém chất lượng”.

Trước sự lo lắng của người dân về thị trường vật tư nông nghiệp, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp trong công tác quản lý. Trong đó, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch đầu năm và đột xuất qua đường dây nóng do người dân tố giác các cửa hàng, cơ sở vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đây nhằm thường xuyên nhắc nhở, cũng như xử lý kịp thời khi phát hiện vi phạm. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh, kiểm tra 19 đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Ngoài kiểm tra các điều kiện về kinh doanh, đoàn công tác còn bốc 22 mẫu, gồm 8 mẫu phân bón hữu cơ, phân bón khác và 14 mẫu thuốc BVTV. Kết quả, về phân bón có 5 mẫu đạt, 3 mẫu không đạt (giả về chất lượng); thuốc BVTV có 13 mẫu đạt, 1 mẫu không đạt (giả về chất lượng). Đơn vị đã tiến hành mời các công ty vi phạm đến xử lý vi phạm hành chính, với tổng số tiền 13,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đối, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin: Mặc dù mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng vẫn còn xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng số lượng ít và đa phần là ở những cửa hàng mới kinh doanh, chưa nắm bắt được thị trường nên khi có nhân viên tiếp thị đến chào hàng với giá rẻ là họ thu vào. Riêng những cửa hàng đã kinh doanh lâu thì họ đã có kinh nghiệm trong vấn đề này nên thường chọn các mặt hàng của những công ty có uy tín. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền và tăng cường thanh, kiểm tra của ngành đã phần nào tạo ý thức cho các chủ cửa hàng trong việc bán hàng đúng chất lượng, tạo niềm tin với nông dân.

Khó xử lý khi phát hiện vi phạm

Hiện nay, tuy việc phát hiện số vụ kinh doanh hàng kém chất lượng đang có xu hướng giảm, nhưng theo nhận định của ngành chức năng tỉnh thì vấn đề này vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường nên cần sự tiếp tục phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, có một điều trở ngại hiện nay là khi ngành chức năng phát hiện các vụ vi phạm thì gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý, mức xử phạt thấp dẫn đến tính răn đe không cao nên nhiều trường hợp vi phạm thường xuyên tái diễn.

Ông Nguyễn Văn Đối, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Việc xử lý trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp hiện gặp một số khó khăn nhất định so với trước đây. Chẳng hạn, khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng của một công ty đang bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nếu công ty này nằm ngoài địa bàn của tỉnh thì phải chuyển hồ sơ về địa phương công ty đó đang đóng để xử lý, ngành chỉ xử lý tổng giá trị lô hàng khi phát hiện và đại lý đó chịu trách nhiệm.

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, hiện các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu như nhập phân bón, thuốc BVTV của công ty ở các tỉnh, như: Bình Dương, Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh… Còn trên địa bàn tỉnh thì không có, từ đó việc xử lý vi phạm trực tiếp với nơi sản xuất hàng kém chất lượng là gần như không thể. “Nhiều lần đơn vị gửi thông báo vi phạm của công ty đến địa phương mà công ty đó đang đặt trụ sở để địa phương đó xử lý, nhưng qua một thời gian vẫn không thấy phản hồi rồi qua luôn, đây thật sự là một bất cập cần sớm tháo gỡ. Do đó, để công tác ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đơn vị đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có giải pháp là xử lý hành vi khi phát hiện vi phạm chứ không xử lý lô hàng nhằm tạo sự răn đe cao hơn”, ông Nguyễn Văn Đối, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh, đề xuất.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>