Cần giải pháp hạn chế ly hôn

06/03/2024 | 07:57 GMT+7

Nếu hôn nhân không hạnh phúc thì ly hôn sẽ là giải pháp hữu hiệu để các bên có cuộc sống mới tốt hơn. Song, ly hôn chưa bao giờ là vấn đề đơn giản, bởi kéo theo đó là muôn vàn hệ lụy cho người trong cuộc và cả xã hội.

Tòa án xét xử một vụ án hôn nhân gia đình.

Thống kê của ngành tòa án, trong năm 2023, tòa án hai cấp đã giải quyết 3.391 vụ việc về hôn nhân và gia đình, tăng 648 vụ so với cùng kỳ, trong đó các vụ việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài chiếm tỷ lệ 4,43%.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn gia tăng như hiện nay. Mặc dù khi gửi đơn ra tòa, các cặp đôi chỉ đưa ra lý do rất đơn giản, đó là không còn hợp nhau. Có đến hơn 80% các đơn yêu cầu ly hôn khi ra đến tòa, hai bên vợ chồng đều thuận tình ly hôn, có thời gian sống ly thân. Việc ra tòa chỉ là để hợp thức hóa về mặt thủ tục pháp lý.

Đơn cử như trường hợp vợ chồng anh T. (32 tuổi) và chị H. (31 tuổi) ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, chia tay nhau trong sự tiếc nuối của cả cha mẹ hai bên lẫn bà con hàng xóm. Anh T. làm nhân viên cho một doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ, chị H. cũng làm cùng công ty, tài chính gia đình ổn định, cả hai đến với nhau bằng tình yêu và có một con chung đã 7 tuổi.

Thế nhưng, sau khi dịch Covid-19 ập đến, công việc gặp khó khăn, kinh tế gia đình sa sút, chị H. và anh T. bắt đầu phát sinh nhiều bất đồng, ngày càng xa cách, thiếu sự chia sẻ, trò chuyện nên lâu dần tình cảm vợ chồng dần phai nhạt. Và rồi, chị H. đề nghị ly hôn vì muốn đi nước ngoài để có cuộc sống mới tốt hơn. Tại tòa, khi được hỏi hai vợ chồng có muốn hàn gắn, thì cả hai đều dứt khoát ly hôn, bởi đã không còn tình cảm.

Tương tự, chị D., ngụ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, sau 10 năm chung sống với chồng, có với nhau 2 đứa con, nhưng vợ chồng chị thường xuyên lục đục. Hai năm trước, do không có đất đai canh tác nên vợ chồng kéo nhau lên Bình Dương lập nghiệp.

Tưởng có việc làm ổn định thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn, nhưng do anh M., chồng chị mê cờ bạc, lại hay ghen tuông dẫn đến mâu thuẫn, cự cãi thường xuyên. Cuộc sống hôn nhân ngày càng đi vào bế tắc, chị D. trở về quê quyết định nộp đơn ra tòa yêu cầu ly hôn và giành quyền nuôi con.

Theo bà Mạc Thị Chiên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A, điểm chung của các trường hợp ly hôn này là rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, độ tuổi từ 20-35. Trong quá trình giải quyết, đa phần họ thuận tình ly hôn và ít tranh chấp. Khi được hỏi, các cặp vợ chồng đều cho rằng họ xuất phát từ tình yêu và có tìm hiểu trước khi kết hôn; còn vì sao ly hôn thì có nhiều lý do, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là bất đồng quan điểm, ngoại tình và bạo hành gia đình.

Thực tế tại các tòa án cấp sơ thẩm, đối với án liên quan đến hôn nhân gia đình, qua hòa giải, động viên, tỷ lệ hòa giải thành chỉ đạt khoảng 10%, còn lại đã giải quyết cho ly hôn. Đáng nói là trên 70% số vụ đều rơi vào các cặp vợ chồng kết hôn trẻ từ 10 năm trở lại.

Nguyên nhân chủ yếu chưa có sự chuẩn bị về cuộc sống hôn nhân, gia đình; chưa có công ăn việc làm, điều kiện kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ hai bên. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân như bạo lực gia đình, vấn đề ngoại tình, ghen tuông, mâu thuẫn về kinh tế, công việc…

Thời gian qua, để hạn chế tình trạng ly hôn, cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về hôn nhân - gia đình. Đồng thời, tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở và tại tòa án, quan tâm hỗ trợ chính sách an sinh xã hội...

Riêng đối với ngành tòa án, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các vụ án ly hôn, các cấp tòa án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tòa cấp sơ thẩm rất chú trọng công tác hòa giải. Nhiều vụ việc, nhờ hòa giải của tòa, đã tạo điều kiện giúp các cặp vợ chồng hàn gắn những rạn nứt không đáng có trong tình cảm, giúp họ tiếp tục duy trì cuộc sống hôn nhân.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho rằng, ngành tòa án tỉnh đã và đang cố gắng nỗ lực vì nhiệm vụ chung của toàn xã hội, thực hiện tốt công tác hòa giải để hạn chế ly hôn. Song, để giảm thiểu tình trạng ly hôn như hiện nay, vấn đề cần đặt ra là phải tìm ra được những giải pháp có tính thực tiễn nhất để giảm thiểu những vụ ly hôn có tính chất tiêu cực.

Chẳng hạn như trang bị kiến thức trước khi kết hôn, chuẩn bị tốt về tài chính, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân khi kết hôn; chung thủy, nói không với bạo lực gia đình và tránh xa các tệ nạn xã hội, như cờ bạc, rượu chè, ma túy...

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>