Sau lần mất kiểm soát !

02/11/2023 | 08:01 GMT+7

Một lần lạc tay lái, người vĩnh viễn nằm lại, người đối diện với bản án pháp luật và sự day dứt của lương tâm. Tai nạn giao thông bao giờ cũng là nỗi đau khôn nguôi...

Chỉ vì một phút bất cẩn, thiếu ý thức, bị cáo Đ. không chỉ gây họa cho người khác mà còn cho chính bản thân mình.

Sinh ra trong gia đình khó khăn, B.V.L., sinh năm 2000, ngụ huyện Phụng Hiệp, học đến lớp 3 thì quyết định nghỉ học, sớm theo chân cha và mấy anh đi làm hồ để kiếm sống. Bước sang tuổi 23, L. bắt đầu có thu nhập khá, dần trở thành trụ cột trong gia đình. Hạnh phúc với L. là sau những ngày làm việc vất vả, có thể ngồi nhâm nhi một vài ly rượu, ly bia với mấy anh em trong gia đình.

Vào cái ngày định mệnh ấy (10-1-2023), như thường lệ, L. về sớm để vui tiệc cùng mấy anh em trong nhà. Buổi tiệc hôm đó, có hai anh của L. là anh H., anh K. và anh M., một người bạn trong xóm. Bốn người hàn huyên tâm sự đến hết một thùng bia thì cả nhóm rủ nhau ra chợ Rạch Gòi (huyện Châu Thành A) để nhậu tiếp. Là em út trong nhà, L. xung phong chở hai anh, cả 3 cùng ngồi trên chiếc xe máy nhỏ của L., di chuyển trên Tỉnh lộ 928.

Chiếc xe lăn bánh trên đường, tiếng cười nói rôm rả, thì L. bất ngờ quay mặt ra sau nói chuyện với anh K., vừa lúc này, do L. không quan sát nên xe bị sụp xuống lề đường và đụng vào chậu cây kiểng của người dân. Tại hiện trường vụ tai nạn, L. và anh H. chảy nhiều máu, anh K. bị thương nhẹ, cả ba nằm dưới lề đường, rồi được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu. Nhưng đến 1 giờ sáng hôm sau, anh H. tử vong, còn L. may mắn vượt qua phút giây sinh tử.

Phiên tòa sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp xét xử L. về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, tuyên phạt L. 18 tháng tù. Tại tòa, L. lí nhí thừa nhận, bản thân mình hôm ấy không chỉ say xỉn mà còn không có giấy phép lái xe. “Bị cáo định đi thi bằng lái xe máy nhưng chưa kịp. Bị cáo cũng biết việc điều khiển xe mà uống rượu bia, không có bằng lái là vi phạm pháp luật, nhưng hôm đó, bị cáo lỡ uống say quá…”, L. rụt rè nói.

Từ ngày xảy ra vụ tai nạn, anh H. mất, L. phải vào tù. Gia đình rộn rã tiếng cười ngày nào của L., giờ đây vắng lặng hẳn. Trong vụ án giao thông khác, bị cáo N.C.Đ., sinh năm 1994, ngụ quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, còn có thể sửa chữa sai lầm, nhưng nạn nhân bị Đ. chạy xe đâm phải, đã không còn cơ hội nào khác.

Theo đó, gần 1 năm trước, sau cuộc nhậu, Đ. cũng chạy xe trên tuyến Tỉnh lộ 928, huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, do đã ngà ngà say, Đ. không làm chủ được tốc độ, thiếu quan sát, chạy lấn làn qua phần đường đối diện. Khi đến khu vực ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, Đ. đụng vào xe mô tô biển số 95E1-294.22 do anh L.N.N. điều khiển, chở phía sau cha ruột là ông G., khiến cả 3 ngã văng ra đường.

Dù anh N. và ông G. được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do chấn thương nặng, nên anh N. tử vong, còn ông G. thương tích 34%. Đứng trước tòa, Đ. thừa nhận hành vi của mình là không oan, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Đ. xin được giảm nhẹ án. “Bị cáo có con nhỏ, kinh tế gia đình do một mình bị cáo gánh vác. Chỉ vì một phút vui quá đà mà nên cớ sự này. Mong hội đồng xét xử xem xét mức án nhẹ để bị cáo có cơ hội sớm về chăm sóc gia đình”, Đ. nói trước tòa.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, mức án 3 năm 6 tháng tù với Đ. là phù hợp. Bởi với mức án này, chỉ cần chấp hành án tốt thì Đ. có thể sớm được trở về nhà; còn đối với gia đình bị hại, chỉ vì một phút bất cẩn của bị cáo mà phải chịu cảnh con mất cha, vợ mất chồng là nỗi đau, mất mát không gì có thể đong đếm, bù đắp được. 

Thật vậy, tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình. Người bị tai nạn thường là những lao động chính. Khi lao động chính không còn, cả nhà rơi vào cảnh khó khăn. Bên cạnh nỗi đau quá lớn khi mất đi người thân, các gia đình còn đối diện với không ít nguy cơ khó lường phía trước. Bởi có trường hợp, các con phải bỏ học khi cha, mẹ gặp tai nạn; cũng có trường hợp, người bị nạn trở nên tàn phế, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Có rất nhiều thông điệp khi tham gia giao thông: “Nhanh một phút, chậm một đời”; “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; “Tính mạng con người là trên hết”; “Điều khiển xe đúng phần đường, làn đường”..., nhưng đôi khi, chỉ vì một phút chủ quan, bất cẩn, dẫn đến mất kiểm soát mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây nên tai nạn nghiêm trọng, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bi thương.

Vậy nên, đừng vì sự lơ là, thiếu ý thức của cá nhân mà để lại hậu quả quá lớn cho gia đình người khác và cho chính bản thân mình!

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>