Xây dựng mô hình phổ biến pháp luật hiệu quả, thực chất

03/01/2024 | 04:41 GMT+7

Thời gian qua, nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang lại hiệu quả ra đời đã đóng góp quan trọng trong việc tạo nhận thức, nâng cao dân trí cho người dân, từ đó giúp hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật...

Một buổi sinh hoạt tại mô hình “Tổ tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Khmer”, ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh. 

Theo Sở Tư pháp, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đến nay 75/75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất một mô hình phổ biến pháp luật, một số địa phương đã xây dựng được 2-3 mô hình phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Lai, Trưởng phòng Tuyên truyền và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp, cho rằng, các mô hình được xây dựng đều có sắc thái riêng, có sự phối hợp của nhiều ngành, trên cơ sở vì mục đích chung là vận động người dân chấp hành pháp luật, tiêu biểu như mô hình “Trang bị điện thoại thông minh cho trưởng ấp” ở huyện Châu Thành A; mô hình “Hội viên ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật” thành phố Ngã Bảy, mô hình “Ngày thứ 3 hòa giải với công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý” huyện Vị Thủy,…

Theo ông Đặng Văn Giai, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến với người dân, nhất là trong đồng bào Khmer và đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chú trọng củng cố, nâng chất mô hình “Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở khu dân cư” tại 525/525 ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai nhiều mô hình mới như “Tuyên truyền pháp luật trong đồng bào tôn giáo”, “Thứ sáu nghe dân nói”, “Câu lạc bộ cà phê với pháp luật”,…

“Đối với Mặt trận, việc xây dựng các mô hình đều hướng đến việc vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật”, ông Giai chia sẻ.

Còn tại Hội LHPN tỉnh, gắn với việc thành lập các mô hình PBGDPL với nhiều tên gọi khác nhau như “Địa chỉ tin cậy”; “Quán cà phê pháp luật”; “Nam giới đồng hành vì sự an toàn, tiến bộ của phụ nữ, trẻ em”, “Phụ nữ với hoạt động trợ giúp pháp lý”. Các cấp hội còn tích cực thực hiện đổi mới tuyên truyền trên cơ sở nền tảng công nghệ zalo/facebook, fanpage, website của hội, đảm bảo hội viên phụ nữ tiếp cận kịp thời các thông tin, chính sách pháp luật…

Theo đánh giá của nhiều địa phương, khi xây dựng một mô hình PBGDPL, để đạt hiệu quả, cần phải xuất phát từ nhu cầu, lấy đối tượng tuyên truyền làm trung tâm. Bên cạnh đó, các mô hình phải có tính lan tỏa. Đây là tiêu chí rất quan trọng, bởi lẽ một mô hình hiệu quả phải có khả năng tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các chủ thể, được nhiều người đón nhận.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng: Thực tế có nhiều nguyên nhân khiến các mô hình PBGDPL hiện nay chưa thể phát huy hết hiệu quả. Trong đó, có vấn đề thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt; tình trạng một địa phương nhưng có nhiều mô hình với thành phần, nội dung sinh hoạt đôi lúc trùng lắp, nên dẫn đến hiệu quả không cao.

Cùng quan điểm trên, theo lãnh đạo Phòng Tư pháp thành phố Ngã Bảy, hiệu quả hoạt động của nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật trên thực tế chưa đạt kết quả như mong đợi. Trong đó, vấn đề chính là việc tập hợp được người dân tham gia vào các buổi sinh hoạt. Chưa kể, một khó khăn chung mà các mô hình đang gặp phải là vấn đề kinh phí. Bởi thời gian đầu thành lập, các mô hình thường được hỗ trợ một ít kinh phí sinh hoạt, tài liệu, còn những năm sau, hoạt động chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của các thành viên.

Thực tế cho thấy, việc thành lập mô hình PBGDPL khá đơn giản, nhưng để duy trì được mới là điều quan trọng. Trong khi đó, nguồn lực và nguồn kinh phí dành cho các mô hình là hạn chế. Nhưng không thể phủ nhận rằng, nếu tổ chức tốt thì hiệu quả mà các mô hình mang lại trong công tác PBGDPL rất cao.

Định hướng triển khai các mô hình PBGDPL trong thời gian tới, theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cần tiếp tục xây dựng các mô hình PBGDPL hướng về cơ sở, hướng đến từng đối tượng cụ thể. 

“Có thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả. Song song đó, cần phát huy các sáng kiến trong việc triển khai, xây dựng và phát triển các mô hình hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm giúp các mô hình phát huy hiệu quả thực chất hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>