Chủ động phòng cháy ở nông thôn

20/02/2024 | 08:42 GMT+7

Hiện đã bước vào mùa nắng nóng, công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở nông thôn rất cần quan tâm. Bởi hiện nay, nhiều hộ chưa chủ động, cũng như thiếu kiến thức về vấn đề này.

Lửa thiêu rụi phần lớn căn nhà và đồ đạc trong gia đình bà Bích.

Chỉ tay về đóng gỗ, tôn, xe máy bị lửa thiêu, bà Nguyễn Thị Bích, ở ấp 3A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, xúc động nói: “Làm vất vả gần đời người mới dành dụm cất được nhà tiền chế, vậy mà chỉ trong chốc lát, lửa thiêu rụi phần lớn căn nhà. Tết vừa rồi gia đình tôi chẳng vui vẻ gì”.

Cách đây hơn 20 ngày, ông Nguyễn Văn Luông (chồng bà Bích), nằm viện điều trị bệnh. Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 28-1 năm nay, bà Bích đi chợ để mua đồ về nấu cơm đem cho chồng. Vừa tới chợ chưa được bao lâu, bà nhận được điện thoại của người thân thông báo nhà bị cháy.

Tức tốc chạy về, khi đến nơi thì thấy nhà mình lửa cháy ngùn ngụt, người thân, hàng xóm, lực lượng chức năng cùng nhau dập tắt đám cháy. Nhưng do đám cháy quá lớn nên thiêu rụi nhiều vật dụng trong gia đình. Theo bà Bích, nhiều đồ đạc, quần áo, 3 xe gắn máy, 1 xe đạp và giấy tờ quan trọng của gia đình bị cháy rụi.

Nguyên nhân cháy do chập điện. “Tôi xây nhà đã lâu, nhưng chưa một lần thay dây điện và cũng ít quan tâm đến hệ thống điện trong gia đình”, bà Bích thông tin thêm.

Hay ngày 8-2 năm nay, cơ sở sản xuất đường thô Bạch Yến, ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, xảy ra cháy tại khu chứa bã mía. Ông Phạm Văn Ơn, chủ cơ sở, kể khoảng 9 giờ sáng ngày 8-2 (nhằm ngày 29 tết), gia đình ông đang cúng tất niên, thì bất ngờ phát hiện khu vực chứa bã mía bốc cháy. Sau đó, ông và người thân sử dụng nhiều dụng cụ để dập tắt, nhưng bất thành.

Khi hay tin, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của tỉnh phối hợp với nhiều lực lượng khác đến hiện trường để dập tắt đám cháy. Khoảng 1 giờ sau, đám cháy mới được khống chế và dập tắt.

“Tôi làm nghề này khoảng 35 năm, nên rất chú ý đến việc phòng cháy, chữa cháy. Ngoài đặt nhiều biển báo cấm lửa, tôi còn trang bị máy bơm, bình chữa cháy và xây dựng vách tôn ngăn cách với lộ nông thôn. Vậy mà hỏa hoạn vẫn xảy ra”, ông Phạm Văn Ơn nói.

Theo ngành chức năng, hiện nay, tình trạng phòng cháy, chữa cháy của nhiều hộ sống ở nông thôn còn hạn chế. Trong đó, nhiều người dân ít quan tâm hay không hiểu biết về thiết bị điện, nên hệ thống dây điện trong gia đình lâu năm không được kiểm tra, thay thế.

Chưa kể, tình trạng chất củi sát nơi đun nấu vẫn còn; không trang bị bình chữa cháy tại nhà. Từ đó, khi hỏa hoạn xảy ra rất khó dập tắt, hậu quả khó lường. Do vậy, để đảm bảo tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình mình, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định phòng cháy, chữa cháy vì quyền lợi của gia đình và cộng đồng.

Cụ thể, cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh các thiết bị sử dụng điện; trang bị bình chữa cháy; khi đun nấu phải có người trông coi và tắt van bếp ga sau khi sử dụng.

Thượng tá Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng, địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng cháy, chữa cháy ở khu vực nông thôn, trong đó sẽ sử dụng loa lưu động đến tận vùng  sâu, vùng xa”.

Ngoài ra, phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống. Đồng thời, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, nhắc nhở những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện.

Đang vào mùa nắng nóng nên nguy cơ cháy nổ nói chung, ở khu vực nông thôn nói riêng luôn tiềm ẩn cao. Vì vậy, việc phòng ngừa trước hết phải từ trong ý thức người dân. Theo đó, mỗi gia đình nên chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy ngay từ khi thiết kế, xây dựng nhà và sử dụng lửa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>