“Sáp nhập nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất”

15/11/2023 | 08:41 GMT+7

Nhân chuyến công tác tại Hậu Giang, ông Phạm Văn Sinh (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi, đánh giá lại việc thực hiện tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại tỉnh.

Ông nhận định: Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng thời gian qua, Hậu Giang đã dành nguồn lực khá lớn để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để các cơ sở giáo dục có thêm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trước tiên, xin ông cho biết ấn tượng đầu tiên của mình đối với sự nỗ lực của giáo dục và đào tạo Hậu Giang là gì ?

- Toàn tỉnh Hậu Giang có 315 trường học, trong đó có hơn 83% trường đạt chuẩn quốc gia. Con số so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước là rất tốt.

Tôi thấy nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tỉnh Hậu Giang rất quan tâm, với tỷ lệ này khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Để đạt được kết quả này, tôi thấy được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, đặc biệt là các sở, ban, ngành và địa phương để giúp cho ngành giáo dục và đào tạo có những kết quả trên. Ngoài ra, từ việc ban hành những chính sách đối với nhà giáo, ban hành những văn bản quy định hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh.

Tôi đánh giá rất cao Hậu Giang trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, số lượng phòng học trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 82% nhu cầu thực tế, những khó khăn, thách thức này ngành cần tháo gỡ theo hướng nào thưa ông ?

- Khó khăn về cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thực tế đây là những cái khó khăn chung của ngành, vì hiện nay chúng ta đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có nhiều nội dung học được thêm vào, dẫn đến việc cần bổ sung thêm một số phòng học. Cụ thể, là phòng học bộ môn, các phòng học để đảm bảo chương trình giáo dục. Đặc biệt, ở cấp tiểu học phải học 2 buổi/ngày, do việc triển khai chưa được đồng bộ, dẫn đến tình trạng một số cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học.

Tôi hy vọng rằng, với kinh phí mà tỉnh dành cho ngành giáo dục để đầu tư cho giai đoạn tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ có tham mưu, phân bổ nguồn kinh phí này phù hợp, đúng đối tượng, nhu cầu để đảm bảo đáp ứng được phòng học còn thiếu, đáp ứng kịp thời Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hậu Giang đã nỗ lực sáp nhập các điểm trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ông có lưu ý gì đối với ngành khi thực hiện sáp nhập các điểm trường ?

- Đối với việc sáp nhập các điểm trường, tôi lưu ý, thứ nhất quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con Nhân dân, đội ngũ cán bộ, giáo viên về việc sáp nhập. Thứ hai chúng ta cần phải có công tác chuẩn bị bố trí công việc cho các giáo viên, cán bộ quản lý… dôi dư sao cho phù hợp. Thứ ba cần đặc biệt quan tâm là sáp nhập phải đảm bảo điều kiện thực sự tốt hơn cho học sinh khi đến trường.

Tôi đề nghị các đơn vị khi thực hiện sáp nhập cần có một kế hoạch cụ thể, trong đó mục tiêu chung nhất hướng đến là tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh học tập, chứ không chỉ giảm đầu mối. 

Qua rà soát, kiểm tra thực tế, theo ông tới đây Hậu Giang cần làm gì để đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng việc nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ?

- Về đảm bảo cơ sở vật chất, trước hết theo quy định Luật Giáo dục 2019, trách nhiệm thuộc về UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Dù là tỉnh thành lập muộn, nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là lãnh đạo tỉnh, tôi tin rằng, tới đây từ các nguồn kinh phí ngoài nguồn kinh phí đã được phân bổ, tỉnh sẽ có thể có những nguồn thu chi khác, để hỗ trợ thêm cho ngành giáo dục.

Tới đây, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Chúng tôi hy vọng, Hậu Giang sẽ là một trong những địa phương được thụ hưởng từ chương trình này. Nếu được thụ hưởng từ đề án này, từ nguồn phân bổ của Trung ương, kết hợp cùng nguồn ngân sách của tỉnh, chắc chắn điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ tốt hơn.

Xin cảm ơn ông !

MỸ XUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>