Hương tết từ múa lân

03/01/2019 | 08:55 GMT+7

Các đội lân trên địa bàn tỉnh đang hăng say tập luyện, chuẩn bị những màn trình diễn ấn tượng vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.

Đội lân sư rồng Tư So Đường, thị xã Long Mỹ đang tích cực tập luyện.

Có mặt tại Đội lân sư rồng Tư So Đường, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tầm hơn 18 giờ tối sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh hàng chục thanh niên đang khiêng, vác trống, bục chuẩn bị tập luyện múa lân. Đội duy trì tập luyện hơn 1 tháng nay và sẽ kéo dài đến những ngày cận kề thi đấu. Ông Phan Văn So, huấn luyện viên Đội lân sư rồng Tư So Đường, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Đội tập tại trước sân nhà tôi, tuy không gian hơi chật nhưng anh em ai cũng cố gắng. Mỗi ngày, đội tập khoảng 3 giờ đồng hồ, nếu trời mưa thì phải nghỉ. Đội vừa mang về huy chương đồng tại Giải lân sư rồng Cần Thơ mở rộng khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, giúp chúng tôi có thêm động lực để thi đấu”.

Theo đó, đội đang tích cực tập luyện dự thi tại Giải lân sư rồng toàn quốc năm 2019 cũng như giải mừng Đảng, mừng Xuân của tỉnh sắp tới, với 4 nội dung là lân leo cột không hái lộc (cá nhân và đồng đội), lân nhảy bục và múa địa bửu. Để đảm bảo nguồn lực thi đấu tốt, đội sẽ chọn những vận động viên múa chính, mỗi người đảm nhiệm một vai trò cụ thể, rõ ràng, giúp các bài tập nhuần nhuyễn, chất lượng hơn. Đội hiện có gần 20 thành viên, bao gồm học sinh, người dân lao động nhưng ai cũng có niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật múa lân. Anh Trần Văn Hiếu, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tập luyện tại đội gần 7 năm, chia sẻ: “Công việc chính của tôi là thợ sơn PU. Mỗi chiều khi đi làm về, tôi tranh thủ thời gian đến tập, bởi múa lân là niềm đam mê trong cuộc sống. Nhờ trao đổi với anh em trong đội, nên bản thân ngày càng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bài diễn”.

Ngoài thị xã Long Mỹ, các đội lân ở thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy,… cũng đang tích cực tập luyện, chuẩn bị thi đấu vào dịp tết. Mỗi nơi có các bài tập khác nhau, tùy vào điều kiện và thế mạnh riêng, nhưng nhìn chung đều muốn mang đến người xem những màn trình diễn ấn tượng, đẹp mắt, tràn ngập sinh khí mùa xuân. Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, cán bộ thể thao Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Châu Thành, cho biết: “Đội mới hình thành vài năm, nhưng chúng tôi luôn rất cố gắng phát triển và cải tiến nhiều bài tập mới. Điều quan trọng là giúp phong trào tại địa phương lan tỏa, đưa múa lân đến gần hơn với mọi người”. Nghề múa lân cũng lắm nỗi vất vả, khi việc bị chấn thương luôn là điều hiển nhiên, lúc ấy chỉ có lòng đam mê mới hướng họ tới thành công, cháy hết mình để biểu diễn tốt.

Múa lân vào dịp tết là một nét truyền thống, đặc trưng từ bao đời nay, giúp hương xuân càng thêm rộn ràng, tạo sự vui tươi, phấn khởi từ phố thị đến thôn quê. Hàng năm, múa lân luôn là môn thi đấu nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân được tỉnh duy trì tổ chức, thu hút đông đảo các đội lân khắp huyện, thị xã, thành phố về tham dự. Mặt khác, đây là môn biểu diễn thu hút đông đảo số lượng người xem, lên đến hàng nghìn lượt, từ người già đến trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, cho biết: “Múa lân là môn truyền thống tổ chức thường niên và luôn được sự đón nhận nồng nhiệt từ người dân. Do đó, chúng tôi rất chú trọng đảm bảo chất lượng trong bài biểu diễn, về nội dung lẫn hình thức, quan tâm đến việc an toàn cho vận động viên khi thi đấu”.

Dù xã hội ngày càng phát triển thì hình ảnh múa lân vẫn hiện diện mãi trong lòng của mỗi người. Ở đó là nơi hoài niệm về một tết xưa với nhiều dư vị, giữ gìn nét văn hóa tinh thần, cho mỗi mùa xuân thêm đẹp và ý nghĩa trọn vẹn.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>