Vươn cao từ điều kiện thấp

31/05/2017 | 07:28 GMT+7

Hơn 13 năm thành hình và đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, sẽ là khập khiễng nếu so sánh thể thao thành tích cao của Hậu Giang với các tỉnh, thành khác, nhưng với điều kiện thấp, sự vươn lên hiện nay so với năm 2004 là nỗ lực đáng trân trọng !

Bài 1: Đất lành sinh trái ngọt !

Đi lên từ khó khăn, lắm mồ hôi và nước mắt là điều mà những người làm công tác thể thao thành tích cao Hậu Giang đã và đang đối mặt.

Judo Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Lê Quốc Thám.

Làm nên những điều tưởng chừng không thể

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập tỉnh và bắt đầu hành trình phát triển thể thao Hậu Giang, ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, trầm ngâm: “Ngày đó, thể thao Hậu Giang gần như chẳng có gì từ nguồn nhân lực lẫn vật lực. Chúng tôi phải đi đến những vùng quê để tìm kiếm nguồn vận động viên (VĐV)”.

Khi mới thành lập tỉnh, nhắc đến thể thao thành tích cao Hậu Giang, hầu như chỉ có bóng rổ thị xã Ngã Bảy (Phụng Hiệp cũ). Đến tháng 10-2006, Sở Thể dục Thể thao được tách ra từ Sở Văn hóa, Thể thao, đó cũng là khởi nguồn cho sự phát triển thể thao Hậu Giang. Năm 2007, một số môn như judo, taekwondo, karatedo được hình thành. Nếu chỉ có 4 VĐV vào thời điểm đó thì đến nay tỉnh đã đào tạo tập trung cho 92 VĐV và 315 VĐV không tập trung. Một thay đổi không nhỏ, chứng tỏ sự phát triển của thể thao Hậu Giang. Trong đó, nổi bật nhất là môn judo đã “bắn phát pháo” đầu tiên cho sự thành công và vươn lên của thể thao Hậu Giang. Nhiều tài năng tỏa sáng với những thành tích ấn tượng, đặc biệt là chiếc huy chương bạc (HCB) SEA Games 26 của VĐV Trần Thúy Duy. Tiếp nối sau đó, VĐV judo Danh Út Kiên cũng đạt được nhiều thành tích như huy chương vàng (HCV) giải judo quốc tế mở rộng 2012, huy chương đồng (HCĐ) giải vô địch judo Đông Nam Á 2013,...

Nhìn vào những kết quả như thế, có người nói đất lành Hậu Giang chính là nơi sinh trái ngọt. Hồi tưởng lại những ngày mới tham gia tập luyện vào năm 2007, VĐV Danh Út Kiên cho biết: “Chúng tôi tập luyện ở nhà thuê rất chật hẹp, không sạch sẽ và thường xuyên bị mưa dột, nhớ có lần gió lớn làm nhà sập luôn”. Không có nhà tập luyện, không nhà ở tập trung, chế độ dinh dưỡng thấp, thiếu dụng cụ tập luyện ít nhiều ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của các VĐV. Ở tuổi đời còn khá trẻ lại phải xa gia đình nên nhiều VĐV không thể gắn bó lâu dài với thể thao. Nhưng chính sự quan tâm, chia sẻ từ huấn luyện viên đã tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV.

Sau nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, miền đất lành Hậu Giang đã làm nên những điều tưởng chừng không thể, đó là sự đền đáp thật xứng đáng cho những người làm công tác thể thao. Ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, cho biết thêm: “Nhìn lại mình hôm qua và hôm nay, tôi thấy hài lòng với những kết quả mà thể thao Hậu Giang đã đạt được. Tôi tin rằng sự chung lòng của mọi người sẽ giúp thể thao Hậu Giang ngày càng thành công hơn”.

Cái nghĩa, cái tình đất trẻ níu chân ai !

Từ những thành công đạt được, thể thao Hậu Giang hoàn toàn có thể trỗi dậy ước mơ về một tương lai. Những ước mơ sẽ tiếp thêm động lực để thể thao Hậu Giang viết tiếp trang thành tích mới. Dù hiện tại, tỉnh chưa có nhiều chính sách đãi ngộ dành cho các huấn luyện viên, VĐV. Nhưng tình đất, tình người Hậu Giang đã khiến nhiều huấn luyện viên, VĐV đến và chọn nơi đây để gắn bó. Ông Lê Quốc Thám, huấn luyện viên judo là một minh chứng. Từng là huấn luyện viên trưởng Đội tuyển judo quốc gia, ông về với Hậu Giang, bỏ nhiều công sức tìm kiếm và gầy dựng môn thể thao này. Ông Lê Quốc Thám chia sẻ: “Đối với tôi cái tình, cái nghĩa quan trọng lắm. Mấy anh em, học trò ai cũng quý mến mình là điều hạnh phúc nhất. Tôi chỉ mong truyền đạt những gì mình biết cho các em để judo Hậu Giang phát triển hơn”. Nhờ tấm lòng đó mà nhiều VĐV được đi đào tạo, tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. Giúp hình ảnh, con người Hậu Giang đến gần hơn với bạn bè khu vực và quốc tế.

Còn huấn luyện viên cử tạ Huỳnh Thị Ngọc Đào, có gần 7 năm gắn bó với Hậu Giang, bộc bạch: “Tôi chỉ mong các VĐV có thể gặt hái thêm nhiều thành tích để thể thao Hậu Giang tự khẳng định được vị thế của mình dù “sinh sau đẻ muộn” so với những tỉnh, thành khác trong khu vực”. Môn cử tạ làm được điều ấy, khi VĐV cử tạ Trương Long Tiền tỏa sáng, giành được 6 HCV, 4 HCĐ trong 3 năm qua tại các giải đấu cử tạ toàn quốc. Mới đây nhất là 3 HCB tại Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII. Ngoài judo, cử tạ, những môn thể thao khác như karatedo, taekwondo,… tiếp tục gặt hái được nhiều thành công ở đấu trường khu vực. VĐV karatedo Nguyễn Hùng Nhựt chia sẻ: “Bản thân em luôn mong muốn cống hiến sức trẻ của mình cho sự phát triển của thể thao Hậu Giang. Với em thể thao đã là một phần trong cuộc sống”. Những lời nói ấy đã được Hùng Nhựt chứng minh khi giành được HCV giải karatedo Đông Nam Á 2015 và nhiều thành tích ấn tượng khác.

Dù phía trước còn lắm thách thức nhưng thể thao Hậu Giang vẫn vượt lên gian khó để phát triển. Những người làm công tác thể thao trên địa bàn tỉnh vẫn đang miệt mài đến vùng quê xa xôi, hẻo lánh tìm kiếm nguồn VĐV tiềm năng, ươm mầm thế hệ vàng cho thể thao Hậu Giang trong tương lai.

Từ năm 2004 đến nay, thể thao thành tích cao Hậu Giang đã giành được 682 huy chương các loại ở những giải đấu cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế. Trong đó có 117 HCV, 217 HCB và 348 HCĐ. Hiện tại, tỉnh có 92 VĐV ở 10 môn thể thao thành tích cao gồm bóng chuyền, bóng rổ, taekwondo, karatedo, cờ vua, điền kinh, cử tạ, judo, bắn cung và đua thuyền. Nếu năm 2007, số lượng sân bãi thể thao rải rác, không tập trung, chưa có nhà thi đấu đa năng thì hiện tại Hậu Giang có hơn 1.012 sân bãi thể thao các loại, nhà thi đấu đa năng, 1 sân vận động, 16 nhà thi đấu tập luyện, 372 sân bóng chuyền, 263 sân cầu lông...

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

---------------

Bài 2: Ươm mầm thế hệ vàng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>