Chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai

21/06/2024 | 08:02 GMT+7

(HGO) - Chiều ngày 20-6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Ông Trương Cảnh Tuyên (đứng), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ tỉnh đến huyện cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều cơn lốc xoáy, làm sập nhà hoàn toàn 25 căn, nhà tốc mái 77 căn; cơ sở công bị tốc mái một trạm y tế, một nhà văn hóa, một trụ điện, một nhà xe trường mẫu giáo. Về sạt lở bờ sông xảy ra 63 điểm, tổng chiều dài sạt lở là 1.550m. Tình hình xâm nhập mặn theo triều biển Đông xuất hiện tại huyện Châu Thành trên sông Cái Côn với nồng độ cao nhất là 1,7‰; còn độ mặn theo triều biển Tây với nồng độ cao nhất đo được tại cống kênh Lầu, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh là 2,9‰, tại UBND xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, có độ mặn cao nhất là 11,6‰. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong năm năm 2023 là hơn 7,4 tỉ đồng.

Riêng hơn 5 tháng đầu năm 2024, giông lốc đã làm tốc mái 7 mái che tại khu chợ đêm phường V, thành phố Vị Thanh; xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông, chiều dài sạt lở 610m, diện tích mất đất 2.950m2. Về tình hình xâm nhập mặn, độ mặn đo được cao nhất tại UBND xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là 13‰; còn tại thành phố Vị Thanh, trên sông Cái Lớn (cống kênh Lầu) độ mặn đo được cao nhất là 12,6‰; tại sông Cái Côn, huyện Châu Thành có nồng độ mặn cao nhất là 1,3‰.

Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh báo cáo công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Theo dự báo của ngành chức năng, tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay tại Nam bộ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%, tập trung vào nửa cuối mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11; đồng thời khả năng sẽ có những đợt mưa lớn kèm theo giông, lốc trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày gây ngập úng cục bộ. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm; trong đó dự báo có khoảng 7-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, khả năng có 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt ảnh hưởng đến khu vực nam biển Đông.

Từ đầu năm đến nay, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt, với độ mặn cao nhất là 13,3‰.

Trước dự báo về tình hình thời tiết trong mùa mưa, bão năm nay như trên, phát biểu tại hội nghị, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cùng các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là chuẩn bị phương án huy động nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra tại địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, nhất là bảo đảm thông tin về tình hình thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng để người dân biết và chủ động phòng ngừa hiệu quả…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>