Đạt lợi nhuận gần 52-65 triệu đồng/ha từ mô hình canh tác lúa thông minh

14/03/2024 | 08:20 GMT+7

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đánh giá cao kết quả mô hình canh tác lúa thông minh mang lại cho nông dân.

(HG) - Sáng ngày 13-3, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông xuân 2023-2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Hội đồng cố vấn khoa học, kỹ thuật Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, chia sẻ những lợi ít khi nông dân áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh tại hội thảo.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang; nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất lúa và hơn 200 nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.

Ban chủ tọa hội thảo giải trình một số thắt mắc của đại biểu về mô hình canh tác lúa thông minh tại hội thảo.

Mô hình trình diễn quy trình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long vụ Đông xuân 2023-2024”, được Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức thực hiện với diện tích khoảng 10ha, tại 2 xã là Vị Trung và Vị Bình của huyện Vị Thủy. Mô hình này là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật về quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang.

Trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và xử lý rơm rạ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khi áp dụng mô hình, nông dân chỉ gieo sạ với lượng lúa giống 60kg/ha; chi phí đầu tư ở 2 mô hình từ 19,2-22 triệu đồng/ha; năng suất lúa tươi tại mô hình ở xã Vị Trung đạt 9,9 tấn/ha, xã Vị Bình đạt 8,9 tấn/ha, tăng từ 100-200kg/ha so với ruộng ngoài mô hình; lợi nhuận nông dân thu được tại mô hình xã Vị Trung là gần 65 triệu đồng/ha, còn xã Vị Bình đạt gần 52 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5-4,6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Trước khi hội thảo diễn ra, đại biểu đến tham quan thực tế và xem máy gặt tuốt liên hợp thu hoạch lúa của nông dân trong mô hình canh tác lúa thông minh.

Như vậy, khi áp dụng mô hình, nông dân đã giảm được đáng kể lượng lúa giống, phân bón (nhất là phân N) và số lần phun thuốc nhưng vẫn đạt năng suất cao, từ đó mang lại lợi nhuận rất tốt cho bà con. Ngoài ra, mô hình còn lần đầu tiên ghi nhận các chỉ số phân tích về chất lượng gạo, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật được theo dõi, đo đạc, từ đó tạo ra sản phẩm gạo đạt ngưỡng an toàn, đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nhất là thị trường xuất khẩu.

Trước khi hội thảo diễn ra, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cùng các đại biểu đã đến tham quan thực tế mô hình tại xã Vị Trung, được nông dân trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ quy trình canh tác, đồng thời xem trình diễn máy gặt tuốt liên hợp, máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ, máy bón phân, máy cày vùi để tăng pH và xử lý rơm rạ, máy cuộn rơm.

H.PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>