Lão nông 93 tuổi và chuyện làm du lịch thuận tự nhiên ở “Vườn tre cổ tích”

29/04/2023 | 11:04 GMT+7

Hình ảnh vườn tre xanh ngút ngàn, rợp bóng mát được nhiều người đặt tên “Vườn tre cổ tích” tại ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, thời gian qua phủ sóng nhiều trang mạng xã hội, là điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút thuộc tốp đầu ở miệt Hậu Giang này.

Chủ nhân của vườn tre độc đáo này là một lão nông đã ở tuổi xưa nay hiếm. Câu chuyện ông định hướng làm du lịch thuận tự nhiên tại vườn tre khiến nhiều người phải suy ngẫm.

HOÀNG NGUYÊN – HỒNG DIỄM thực hiện

Chủ nhân của vườn tre rộng khoảng 10.000m2 là lão nông đã 93 tuổi có dư - ông Đặng Văn Sang (Tư Sang).

Những năm mới tiếp thu khi nhà nước bắt đầu vét kênh, ông thử trồng mía, bạch đàn, nhưng không hiệu quả. Khoảng năm 1990, ông quyết định trồng tre vì thời điểm đó cây tre thông dụng, làm nhà, đan đát, xịa mé. Mỗi chỗ chỉ trồng một cây, rồi từ từ tre nhảy con ra, giờ một bụi mọc cả trăm cây lớn nhỏ.

“Tôi chọn trồng tre vì vừa thân thuộc, vừa có những đặc tính như người dân mình ngày xưa, mộc mạc, kiên trì vươn lên, khó khuất phục.…”, cụ ông Tư Sang nói lý do chăm chút cho vườn tre này.

Hơn 33 năm gắn bó từ những ngày tre chỉ cao bằng mấy em tiểu học, nên ông coi vườn tre như tri kỉ đời mình. Du khách đến đây quen với hình ảnh ông cụ có phần lụm khụm nhưng ngày ngày vẫn rong ruổi khắp vườn tre, khi tỉa cành, khi dọn lá, chặt tre già, xắn măng.

Khi tre thành hình, thành dáng, ông muốn chia sẻ nét đẹp này đến mọi người. Ông liên hệ xã, huyện nói ý tưởng muốn phát triển du lịch ở vườn tre. “Cây tre tượng trưng cho nét đẹp văn hóa làng quê, nên những gì thuộc về văn hóa thì cần lan tỏa. Mình già rồi, có những cái muốn làm cũng rất khó, nên cần trợ lực, cần hợp tác để làm du lịch”, ông bộc bạch.

Khoảng năm 2019, khi có người ngỏ lời hợp tác làm điểm du lịch sinh thái, ông Tư Sang vui vẻ đồng ý nhưng kèm theo điều kiện không được chặt, đốn tre để xây dựng bê tông: “Tui không biết mình có cổ lỗ sĩ quá không, nhưng tui muốn làm gì làm cũng giữ nguyên vẹn sự sinh sôi, phát triển của khu vườn tre này”, ông Tư Sang móm mém cười.

Từ yêu cầu đó nên tại điểm du lịch này mọi thứ xây cất đều chọn vị trí không có tre và đa phần đều làm bằng tre, nứa, hạn chế thấp nhất bê tông cốt thép.

Khi vườn tre trở thành điểm du lịch, cuộc sống của người dân ở xóm này vui lên. Cuộc sống bình dị, thường nhật chốn thôn quê vẫn bình yên, đáng sống nhưng hòa lẫn không khí nhộn nhịp của điểm du lịch.

Điểm du lịch đã tạo công ăn việc làm cho gần 50 người lao động trực tiếp và góp phần phát triển dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm quanh khu du lịch của gần 20 hộ dân khác. Chị Lê Thị Bé Hai (bên trái) chia sẻ: “Hồi đó ở nhà thất nghiệp, khi vườn tre thành điểm du lịch, tui xin vô phục vụ, mỗi tháng được trả công 7-8 triệu, khi mùa du lịch rộ được nhiều hơn”.

Vườn tre ngày càng được biết đến nhiều hơn, từ du khách nhiều tỉnh, thành trong nước...

Đến du khách quốc tế đã tìm đến đây để chiêm ngưỡng nét đẹp, cảm nhận không khí trong lành của miền quê.

Lượng du khác đến tham quan vườn tre chiếm khoảng 60 – 70% lượng khách du lịch đến huyện Phụng Hiệp mỗi năm. Cao điểm có ngày vườn tre đón trên 2.000 lượt du khách, một con số không nhỏ với địa bàn chưa thật sự phát triển du lịch như ở đây. Từ điểm du lịch này, định hướng các tua tuyến du lịch liên kết sang địa bàn khác đã được triển khai, đem lại doanh thu tăng dần cho du lịch địa phương nói riêng, cả tỉnh nói chung.

Với ông Tư Sang, làm du lịch cũng là cách để vườn tre tiếp tục được giữ gìn, hình ảnh cây tre làng quê một thời gắn bó với người dân sẽ đến gần hơn với thế hệ trẻ sau này, như một nét văn hóa, một cốt cách sống của người dân Việt Nam.

Khi nhìn vườn tre “tri kỉ” của mình đu đưa trong nắng sớm, ông lại nhắc chuyện làm du lịch sinh thái thì phải thuận tự nhiên, có vậy du khách mới thích thú và làm ăn được lâu dài...

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>