Báo Hậu Giang: Điểm tin sáng

23/01/2024 | 05:55 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: Việt Nam sắp có trường đại học đầu tiên đào tạo ngành Game; Chàng trai Việt điều hành dự án AI ở công ty 400 triệu người dùng ở Mỹ; Kỷ nguyên điện thoại Nokia sắp kết thúc?; Nhiều núi lửa cùng 'thức giấc', Indonesia sơ tán hàng chục ngàn người; Sắp có vắc-xin mRNA ngừa ung thư.

Việt Nam sắp có trường đại học đầu tiên đào tạo chuyên ngành về Game

Theo công bố, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ trở thành trường đại học đầu tiên mở chuyên ngành đào tạo về Game (Trò chơi điện tử).

Game là một trong những mảng công nghệ có sức hút lớn và tạo ra dư địa khai thác cao trên thị trường. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành Game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành Game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023.

Nhằm phát triển ngành Game trong thời gian tới thì giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi. Để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành Game.

Tại sự kiện công bố các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Game Quốc tế 2024, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiết lộ, từ tháng 9/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ chính thức tuyển sinh với số lượng 200 sinh viên chuyên ngành về Game (Trò chơi điện tử).

Trước đó, trong cuộc họp báo tháng 4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do đã một lần nữa khẳng định quan điểm của cơ quan này là quản lý, thúc đẩy ngành Game phát triển lành mạnh.

Chàng trai Việt điều hành dự án AI ở công ty 400 triệu người dùng ở Mỹ

Đoàn Nguyễn Tuấn là chuyên gia cấp cao về khoa học dữ liệu, trưởng nhóm phát triển ứng dụng AI ở Quora, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Yale.

Tuấn, 28 tuổi, đang làm việc với vai trò Staff Data Scientist (chuyên gia khoa học dữ liệu cấp cao) cho Quora. Đây là nền tảng hỏi đáp phổ biến tại Mỹ với 400 triệu người dùng mỗi tháng, cho phép họ tìm kiếm thông tin, chia sẻ chuyên môn cũng như kết nối với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Tháng 11/2023, Quora được định giá 500 triệu USD, trong top 17 mạng xã hội được dùng nhiều nhất thế giới, xếp thứ hai về website tra cứu thông tin ở Mỹ.

Ở các công ty công nghệ Mỹ, thông thường, nhân viên cần 10 năm kinh nghiệm để trở thành "Staff" - một vị trí ở cấp độ chuyên gia. Tuấn thấy may mắn khi có thể đảm nhận vị trí này chỉ sau 4 năm làm việc. Anh hoạch định chiến lược lâu dài về dữ liệu, quyết định kế hoạch phát triển theo từng thời điểm và nhân sự thực hiện, rồi thuyết phục các bên liên quan hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Anh còn là trưởng nhóm Poe Growth, nhóm phát triển ứng dụng Poe AI (Platform for Open Exploration), một nền tảng do Quora phát triển từ tháng 3/2022. Ứng dụng này giúp người dùng tiếp cận các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) như GPT4, Claude hay Llama dễ dàng. Với nhiều mô hình AI tích hợp trong một ứng dụng, người dùng có thể lựa chọn, sử dụng mô hình phù hợp nhất với công việc của mình. Trong vai trò này, Tuấn làm việc trực tiếp với CEO và giám đốc sản phẩm của Quora để vạch ra chiến lược phát triển người dùng, điều hành dự án.

"Ở công ty nhỏ (về nhân sự) như vậy, mình có cơ hội đảm nhận nhiều trọng trách hơn. Thứ hai, mình sẽ được làm việc trong môi trường toàn người giỏi, rất thích hợp để học hỏi, phát triển bản thân", anh nói, thêm rằng Quora có khoảng 200 nhân viên.

Kỷ nguyên điện thoại Nokia sắp kết thúc?

HMD Global chuẩn bị ra smartphone riêng dù đang sở hữu bản quyền Nokia, báo hiệu thương hiệu này đối mặt nguy cơ tiếp tục bị bán hoặc biến mất.

Năm 2013, Nokia bán mảng di động cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD kèm các sáng chế trong 10 năm. Tuy nhiên, công ty phần mềm Mỹ đã bán quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho HMD Global vào năm 2016 với giá 350 triệu USD và thỏa thuận sẽ hết hạn vào cuối 2024.

Theo Gizmochina, đang có hàng loạt dấu hiệu cho thấy HMD Global không còn mặn mà với thương hiệu Nokia và sẽ không gia hạn. Từ tháng 9 năm ngoái đã xuất hiện tin đồn HMD Global sẽ sản xuất điện thoại dưới thương hiệu riêng. Khi đó, Jean-Francois Baril, người đồng sáng lập kiêm CEO của HMD Global, tuyên bố công ty sẽ tiếp tục kinh doanh smartphone Nokia.

Đến tháng 11/2023, hai mẫu smatrphone HMD Golbal đầu tiên lộ diện trên cơ sở dữ liệu IMEI với tên model N159V và TA-1585. Một số chuyên gia dự đoán công ty sẽ phân nhánh sản phẩm với một bên là điện thoại Nokia và một bên sử dụng thương hiệu mới.

Nokia là hãng điện tử, viễn thông nổi tiếng của Phần Lan. Từng giữ vị trí số một trong ngành công nghiệp điện thoại di động, Nokia tụt lại phía sau bởi sự vươn lên của Apple và các đối thủ Android. Công ty bán mảng di động cho Microsoft để tập trung vào kinh doanh thiết bị mạng và dịch vụ liên quan. Đầu năm ngoái, hãng đổi logo với nhận diện mới. "Nhiều người vẫn đang nghĩ Nokia như một nhà sản xuất điện thoại. Vẫn có sự liên kết với smartphone, nhưng giờ chúng tôi là một công ty kinh doanh công nghệ", Pekka Lundmark, CEO Nokia, nói với Reuters khi đó.

Nhiều núi lửa cùng 'thức giấc', Indonesia sơ tán hàng chục ngàn người

Theo Hãng tin AP, núi lửa Merapi nằm ở ranh giới giữa tỉnh Trung Java và tỉnh Yogyakarta (Indonesia) phun trào hôm 21-1, khiến các đám mây tro bụi lan rộng, dòng dung nham chảy dài 2km xuống sườn núi.

Ông Agus Budi Santoso, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu công nghệ thảm họa địa chất Indonesia, cho biết thêm cột tro bụi nóng cao 100m cũng xuất hiện sau khi núi lửa Merapi phun. Cho đến nay, giới chức địa phương chưa ghi nhận thương vong.

Merapi là núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 núi lửa còn đang hoạt động trên khắp Indonesia.

Khoảng 250.000 người đang sinh sống trong phạm vi 10km từ ngọn núi lửa cao 2.968m này.

Vụ phun trào hôm 21-1 là vụ phun trào mới nhất kể từ khi các nhà chức trách địa phương nâng mức cảnh báo lên mức 3 trên thang 4 mức cảnh báo hồi tháng 11-2020.

Năm 2010, một vụ phun trào núi nửa Merapi đã khiến 347 người chết, 20.000 người phải sơ tán.

Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia cho biết trong một thông báo trên mạng xã hội X (Twitter) rằng một số ngọn núi lửa khác cũng bất ngờ hoạt động trên khắp Indonesia, buộc chính quyền địa phương phải sơ tán hàng ngàn người.

Cơ quan này cho biết núi lửa Lewotobi Laki Laki ở tỉnh Đông Nusa Tenggara đã phun những đám mây nóng cao tới 700m hôm 21-1, khiến hơn 6.500 người phải sơ tán.

Cũng trong ngày 21-1, núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra bất ngờ phun trào trở lại. Đây là vụ phun trào lớn thứ ba trong tháng ở núi lửa này. Khoảng 500 người dân sinh sống gần đó phải sơ tán.

Tháng trước, núi lửa Marapi phun trào khiến 23 người leo núi thiệt mạng, một số người khác bị thương.

Ngoài ra, một số núi lửa khác cũng phun trào trong những ngày gần đây như núi lửa Semeru ở tỉnh Đông Java phun trào hôm 20-1, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera ở tỉnh Bắc Maluku phun một cột tro nóng cao tới 1.300m trong tuần qua.

Quốc đảo Indonesia là nơi thường xuyên xảy ra động đất và các vụ phun trào núi lửa do quốc gia này nằm trên “vành đai lửa” của Thái Bình Dương.

Sắp có vắc-xin mRNA ngừa ung thư

Mới đây, cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ và châu Âu lần lượt công nhận liệu pháp mRNA (mRNA-4157) kết hợp với thuốc trị ung thư Keytruda (pembrolizumab) để điều trị bổ trợ cho bệnh nhân u ác tính.

Trước đó, hai hãng dược Merk và Moderna đã đưa ra kết quả đầy hứa hẹn từ nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, giai đoạn 2b. Thử nghiệm được thực hiện trên những bệnh nhân có khối u ác tính nguy cơ tái phát cao (giai đoạn III/IV) sau khi cắt bỏ hoàn toàn khối u.

Kết quả cho thấy điều trị bằng mRNA-4157 kết hợp với pembrolizumab khiến bệnh nhân cải thiện tỷ lệ sống sót, giảm 49% nguy cơ tái phát hoặc tử vong, 62% nguy cơ di căn so với chỉ dùng thuốc pembrolizumab độc lập.

"Đây là minh chứng đầu tiên về hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư dựa trên mRNA", Kyle Holen, phó chủ tịch cấp cao của Moderna, cho biết, thêm rằng loại vaccine này có thể ra mắt vào năm 2025.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>