Báo Hậu Giang điểm tin sáng

31/01/2024 | 05:59 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: Hai linh vật Rồng ở Bạc Liêu, Cần Thơ được khen; Dàn nghệ sĩ Táo quân VTV được thay gần như toàn bộ; Cẩn trọng khi đăng ký tham gia các cuộc thi qua mạng; Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới tại núi Bà Đen; Phục chế giáp tay La Mã 1.800 tuổi.

Hai linh vật Rồng ở Bạc Liêu, Cần Thơ được khen

Bạc Liêu đặt linh vật của năm mới ở đầu tuyến đường Nguyễn Tất Thành (giao nhau với đường Trần Phú, TP Bạc Liêu) vào khu trung tâm hành chính của tỉnh. Đây là khu vực có đông người qua lại nên không gian rộng, thoáng, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, nhộp nhịp.

Linh vật rồng "Song long hợp bích" có màu vàng bắt mắt, thể hiện sự uy nghi, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được những nét mềm mại.

Nguyên liệu thiết kế linh vật rồng này bằng xốp, chiều cao 4,5m, chiều dài 9,5m. Trong những ngày tới, xung quanh công trình này sẽ được trang trí thêm hoa và dòng chữ "Chúc mừng năm mới 2024" cũng như đèn trang trí vào ban đêm.

Anh Nguyễn Quốc Dương - Quản lý khu du lịch sinh thái Wonderland Cần Thơ - cho biết linh vật rồng Giáp Thìn được lên ý tưởng thiết kế và thi công hơn 3 tháng để hoàn thành. Linh vật rồng có chiều dài 16m, cao 5m, ước tính nặng gần 3 tấn.

"Thiên Hải Bình An là cái tên chúng tôi chọn để đặt tên cho linh vật rồng năm nay, với mong muốn chúc một năm mới nhiều hạnh phúc, vui vẻ, mọi người có cuộc sống ấm no, đủ đầy và yêu thương nhau", anh Dương nói.

Linh vật rồng được đặt ngay cổng chính vừa tạo điểm nhấn vừa gợi thích thú cho du khách gần xa khi có dịp du lịch khám phá về huyện Phong Điền trong dịp Tết này.

Chị Thùy Linh - du khách từ Vĩnh Long - chia sẻ lần đầu tiên được chụp hình check-in với con rồng kích thước lớn như thế. Dù nhìn từ xa hay đứng gần kế bên cũng thấy linh vật rồng rất độc đáo và mãn nhãn du khách.

Linh vật rồng Thiên Hải Bình An và các hoạt động vui chơi khác như tham quan vườn trái cây, thưởng thức bánh dân gian, món ăn dân dã miền Tây… sẽ phục vụ khách tham quan xuyên Tết khi về huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Dàn nghệ sĩ Táo quân VTV được thay gần như toàn bộ

Do một số kế hoạch thay đổi, dàn diễn viên quen thuộc gồm nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung không tham gia. Năm nay, êkíp mời các nghệ sĩ mới đảm nhiệm vai chính. Từ trái sang: Quân Anh (Táo Xã hội), Quốc Quân (Táo Kinh tế), Tú Oanh (Táo Văn thể), Bá Anh (Táo Giao thông).

Trước đó, nghệ sĩ Chí Trung từng cho biết sẽ đảm nhận vai diễn mới hoàn toàn khác biệt, nghệ sĩ Trần Lực là đạo diễn. Tuy nhiên, cả Chí Trung và Trần Lực đều không tham gia. Hiện chương trình vẫn do nghệ sĩ Khải Anh đạo diễn.

Vai Ngọc Hoàng (thứ năm từ trái sang) vẫn do nghệ sĩ Quốc Khánh đảm nhiệm. Theo kịch bản mới, nhân vật không ngồi chờ cấp dưới lên trời chầu mà vi hành xuống hạ giới ở phần đầu.

Nghệ sĩ Tiến Minh đóng vai Thiên Lôi và Việt Bắc - vai trợ lý Thiên Lôi.

Theo êkíp, việc sử dụng môtíp kịch bản, nhiều gương mặt mới có thể khiến khán giả khó thích ứng ở những phút đầu. Tuy nhiên, những người làm chương trình mong muốn tạo bước đột phá cho Táo quân.

Chương trình giữ đặc trưng ở việc tạo tiếng cười châm biếm, đả kích thông qua việc điểm lại những sự việc nổi cộm ở nhiều lĩnh vực.

Như thường lệ, chương trình sẽ phát sóng lúc 20h đêm giao thừa (tức ngày 9/2 dương lịch).

Táo quân - Gặp nhau cuối năm là chương trình hài kịch truyền hình, phát sóng vào Tất niên Âm lịch hàng năm, sản xuất lần đầu năm 2003. Tiết mục mượn điển tích Táo quân về trời báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm trong suốt một năm. Thông qua đó, chương trình phản ánh, đả kích nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, giáo dục nổi cộm. Qua 20 năm phát sóng, Táo quân là món ăn tinh thần với nhiều thế hệ khán giả.

Cẩn trọng khi đăng ký tham gia các cuộc thi qua mạng

VTV đã phát nhiều phóng sự cảnh báo việc lừa đảo các cuộc thi của nhà đài này. Ảnh VTV

Điểm chung của các vụ lừa đảo mạo danh các chương trình truyền hình thường là yêu cầu tham gia thử thách tăng tương tác qua các nhóm chat, chuyển tiền nhận hoa hồng rồi biến mất khi nạn nhân chuyển những khoản tiền lớn.

Cẩn trọng trước tất cả các cuộc thi dành cho con trẻ trên không gian mạng là cách mà chị Nhung - phụ huynh của một trong những thí sinh tham dự chung kết Trạng Nguyên Nhí mùa 2 luôn áp dụng. "Mình mình muốn con tham gia thi sẽ bắt nguồn trực tiếp từ giáo viên dạy. Các thầy cô muốn đào tạo và con có khả năng tham gia thì các thầy cô sẽ giới thiệu cho mình các cuộc thi uy tín', chị Nhung chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam: "Đối với không gian mạng, chúng ta cần học tư duy phản biện, trước cuộc thi nào chúng ta cần phải kiểm tra chéo thông tin. Tất cả những giao dịch liên quan đến tiền, các thủ đoạn lừa đảo, chúng ta cần cập nhật, cần phải đặt dấu chấm hỏi xem đó có là cuộc thi đáng tin hay không".

Trước khi có những quy chế chặt chẽ về việc quản lý các cuộc thi trên mạng xã hội, bản thân mỗi gia đình cần cập nhật những kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng cùng những cách thức lừa đảo tài chính hiện nay để hành trình trải nghiệm của con trẻ sẽ luôn là những cuộc thi ý nghĩa với nhiều kỷ niệm đẹp.

Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới tại núi Bà Đen

Tọa lạc tại độ cao 900m trên đỉnh núi Bà Đen, Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc khổng lồ có chiều cao 36 mét, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn. Tôn tượng được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. So với những bức tượng Bồ Tát Di Lặc lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc tại Núi Bà Đen là bức tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới.

Được tạo tác ở tư thế ngồi trên thác nước chảy tràn với với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trở thành một biểu tượng của niềm vui và hạnh phúc trên đỉnh núi Bà Đen linh thiêng.

Phục chế giáp tay La Mã 1.800 tuổi

Giáp tay 1.800 tuổi thuộc thời Đế chế La Mã được bảo tàng Scotland phục chế từ hơn 100 mảnh vỡ.

Trước đó, các mảnh ghép đều thuộc bộ sưu tập của bảo tàng hơn một thế kỷ. Một phần được được trưng bày tại đây suốt 25 năm, một phần được đặt tại Bảo tàng Trimontium.

Trên The Guardian, Bethan Bryan - chuyên viên phục hồi đồ cổ tại Bảo tàng Scotland - nói: "Đây vừa là thử thách khó khăn vừa là nỗ lực của tình yêu". Bà cho biết thêm: "Việc nhìn chằm chằm vào những mảnh vỡ giống nhau suốt ba tuần sẽ khiến mắt và não bị tổn thương. Thế nhưng, cuối cùng mọi mảnh vỡ đều tìm thấy vị trí của chúng".

Sau khi lắp ghép hoàn chỉnh, Bảo tàng Anh mượn cổ vật để trưng bày trong buổi triển lãm Legion: Life in the Roman Army từ ngày 1/2-23/6, xoay quanh chủ đề về cuộc sống của quân La Mã.

Năm 1906, James Curle - một nhà sưu tầm đồ cổ - đã tìm thấy các mảnh vỡ tại pháo đài Trimontium gần biên giới Scotland. Ban đầu, ông cho rằng chúng thuộc về tấm khiên bảo vệ ngực và vai của các chiến binh nhưng lại không tìm thấy bất kỳ sự liên kết. Năm 1990, các nhà khảo cổ xác định đó là công cụ bảo vệ cánh tay.

Sau khi khai quật, những mảnh kim loại đều được bảo quản tốt, một số mảnh còn giữ được phần dây da.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>