Dấu ấn tài tử đồng bằng

25/11/2019 | 08:40 GMT+7

Diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019, Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XIV năm 2019 mở rộng, đã thu hút trên 100 nghệ nhân đờn ca tài tử, đã góp phần giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Hát xoan Phú Thọ trên sân khấu Liên hoan.

Sân chơi mang tầm khu vực

Liên hoan có sự tham gia của 8 đơn vị đến từ 7 tỉnh, thành phố trong khu vực. Ngoài Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau, còn có Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là sân chơi thường niên, được tổ chức hơn 10 năm nay của 3 đơn vị Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng, năm nay được mở rộng hơn. Từ đây, nhiều gương mặt tài tử trẻ đã được phát hiện, chăm bồi, bổ sung vào lớp nghệ nhân kế thừa để tiếp tục phát huy.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan, chia sẻ: “Là liên hoan truyền thống, nhưng để tạo sân chơi, sự gắn kết để giao lưu học hỏi, chúng tôi thường mời một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và miền Đông Nam bộ. Chúng tôi còn mời một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và đặc biệt, lần nào cũng có đại diện của miền Đông Nam bộ”. Năm nay, trong chuỗi sự kiện đặc biệt này, các nghệ nhân đã mang đến một không gian đặc sắc, đặc trưng và ấn tượng.

Điểm đặc biệt của liên hoan lần này là lần đầu tiên, người xem được thưởng thức những thể loại đặc sắc đến từ các miền di sản trên cả nước qua sự giao lưu, tái hiện của các nghệ nhân, mang đến một không gian đặc sắc, ấn tượng, tạo sự háo hức, hứng khởi cho người xem, như: hát xoan của Phú Thọ, chèo của Ninh Bình, dân ca quan họ của Bắc Ninh, cồng chiêng Tây Nguyên của Đắk Lắk, chầu văn cô đôi thượng ngàn của Nam Định… các thể loại độc đáo được biểu diễn bởi các nghệ nhân đến từ đoàn tham gia một hoạt động là không gian “Hội tụ các miền di sản” được UNESCO vinh danh, tại Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019.

Đúng chất tài tử

Có thể cảm nhận được các nghệ nhân đến với sân chơi này rất thoải mái, vui vẻ và thân mật, đúng với chất tài tử. Họ không bị gò bó bởi một áp lực nào, mà biểu diễn như để cho mình và những tri kỷ cùng nghe. Nghệ nhân ưu tú Trọng Sĩ (Sóc Trăng), chia sẻ: “Mấy chục năm theo nghiệp đờn ca tài tử, những người như chúng tôi luôn mong có dịp này để gặp gỡ, chia sẻ những buồn vui trên con đường theo nghiệp. Vì tổ chức thường xuyên nên quen hết hà, vui lắm”. Còn em Như Ý (Hậu Giang), chia sẻ rằng, em hồi hộp lắm, bởi lần đầu được tham gia sân chơi lớn như vậy. Dù biểu diễn nhiều năm, nhưng lần này, gặp nhiều cô chú, anh chị, em rất run. Từ đó, phải cố gắng hết sức để hát cho đúng, cho hay. Rồi ngồi lắng nghe, để rút cho mình những bài học bổ ích… Đến vì niềm đam mê, thể hiện cũng cốt để mọi người cùng đam mê thưởng thức, nên những tiếng đờn, lời ca của họ ngọt lịm, đi vào lòng người.

Điểm độc đáo của liên hoan lần này, ngoài những điệu quy định trong 20 bài bản tổ của Ban tổ chức, mỗi đội phải có bộ tiết mục hòa đờn và một tiết mục thể hiện bài Dạ cổ hoài lang, nhân dịp sự kiện đặc biệt kỷ niệm 100 năm ra đời bài ca này của cố nhạc sư Cao Văn Lầu. Các tiết mục hòa quyện giữa tình đất, tình người, giữa tình yêu nghệ thuật và sự kết nối, giao lưu giữa nhiều thế hệ cùng đam mê, quyết tâm phát huy và gìn giữ nghệ thuật độc đáo của dân tộc, đã tạo nên những tiết mục hay, lay động lòng người. Các tiết mục còn thể hiện sự đổi thay của quê hương, ca ngợi tình yêu, tình cảm gia đình… Tất cả đều được thể hiện bởi những giọng ca sâu lắng ngọt ngào, ngón đờn điêu luyện, làm say lòng người mộ điệu.

Ngồi lắng nghe say sưa các chương trình dự thi, Ban giám khảo Liên hoan cũng là những nghệ nhân tài tử, nên điều nhận thấy qua ánh mắt của họ là niềm vui vì môn nghệ thuật đang được giữ gìn và phát huy tốt. Thạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải, Trưởng ban Giám khảo, nhấn mạnh: “Các đơn vị mang đến rất nhiều tiết mục hay, có sự chuẩn bị chu đáo và nghiên cứu sáng tạo để làm mới những tiết mục rất cũ, tạo nên những điểm nhấn riêng. Các nghệ nhân đờn, ca hết mình, làm chúng tôi cũng hòa vào cảm xúc đó. Đặc biệt, lần này, xuất hiện nhiều giọng hát rất trẻ, có em mới 11 tuổi. Đây sẽ là lớp kế thừa, góp phần cùng gìn giữ và phát huy bộ môn đờn ca tài tử”.

Hậu Giang đạt 1 giải B tập thể và 2 giải tiết mục

 

- Bế mạc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 1 bộ giải dành cho 3 đơn vị Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và 1 bộ giải mở rộng dành cho các đơn vị còn lại. Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An đạt giải A, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang và Đội Âm vang Dạ cổ (Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu) đồng giải B. Ngoài ra, ở hai bộ giải này còn có 13 giải A, 24 giải B được trao cho các cá nhân có tiết mục xuất sắc và 1 giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất.

- Hậu Giang được 1 giải B tập thể và 2 giải tiết mục. 1 giải B dành cho tiết mục “Hậu Giang ngày mới” do Kim Khéo thể hiện và 1 giải A cho tiết mục “Vọng mãi tiếng ru xưa” do Như Ý trình bày.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>