Điểm tin sáng 7 – 4: Lần đầu ghi nhận ca mắc cúm gia cầm A(H9) trên người; Tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố hạn mặn, thiếu nước khẩn cấp

07/04/2024 | 05:47 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Hàng nghìn trường học Philippines tạm dừng lớp học trực tiếp do nắng nóng; Khoa học sắp tạo ra nhật thực nhân tạo; 3 nước Đông Nam Á nghỉ lễ nhiều ngày nhất: Là những nước nào?.   

Lần đầu tiên ghi nhận ca mắc cúm gia cầm A(H9) trên người, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Ngày 6-4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Viện Pasteur TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người sau khi ghi nhận ca mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam.

Cục Y tế dự phòng thông tin từ ngày 10-3, bệnh nhân nam (37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân sinh sống ở khu vực chợ buôn bán gia cầm.

Ngày 16-3, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do vi rút.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại bệnh viện phát hiện dương tính cúm A và có các đoạn gene tương đồng vi rút cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định.

Ngày 1-4, Viện Pasteur TP.HCM phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9, hiện tại viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực.

"Đây là trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay. Trước đó, vào tháng 3-2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người.

Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2), bao gồm hai trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H9N2) lây từ người sang người", Cục Y tế dự phòng thông tin.

Tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố hạn mặn, thiếu nước khẩn cấp

Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Đây là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, sau khi hạn mặn khiến hàng chục nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng suốt nửa tháng qua.

Theo Nghị định 66/2021 của Chính phủ, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Hàng nghìn trường học Philippines tạm dừng lớp học trực tiếp do nắng nóng

Số liệu chính thức cho thấy 5.288 trường học trên khắp Philippines đã chuyển sang hình thức học từ xa do nắng nóng, ảnh hưởng đến hơn 3,6 triệu học sinh.

Các tháng 3, 4 và 5 thường là những tháng nóng nhất và khô nhất ở quốc đảo này nhưng điều kiện thời tiết đã trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino. Nhiều trường học không có máy điều hòa khiến học sinh phải chịu cảnh nóng bức trong những lớp học đông đúc, thiếu thông gió.

Bộ Giáo dục Philippines đã ban hành khuyến nghị tới hiệu trưởng các trường, theo đó họ có quyền quyết định thời điểm chuyển sang hình thức học từ xa "trong trường hợp nắng nóng quá mức và các thiên tai khác".

Một số trường đã giảm giờ học để tránh phải giảng dạy vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.

Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Philippines cho biết chỉ số nhiệt độ dự kiến sẽ đạt mức "nguy hiểm" là 42 hoặc 43 ở một số khu vực trên cả nước trong ngày 5/4.

Tại Manila, chỉ số nắng nóng được dự báo sẽ đạt mức "hết sức thận trọng" là 40, có thể xảy ra tình trạng chuột rút và kiệt sức vì nóng. Nhiệt độ tối đa thực tế hôm 5/4 ở Manila là 35,5.

Khoa học sắp tạo ra nhật thực nhân tạo

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang chuẩn bị tạo ra nhật thực nhân tạo để các nhà khoa học có thể nghiên cứu vành nhật hoa, một trong những phần phức tạp và khó quan sát nhất của Mặt trời.

Để làm được điều này, họ hy vọng sẽ bay hai tàu vũ trụ riêng biệt, cách nhau 150m và thẳng hàng, sao cho một vệ tinh (được gọi là "vật che ánh sáng") chặn tất cả, chỉ chừa lại vành corona, trong khi vệ tinh còn lại sẽ quan sát bằng một thiết bị đo vành nhật hoa.

Hai vệ tinh sứ mệnh sẽ phải bay "theo đội hình chính xác đến từng milimet", sử dụng định vị vệ tinh, liên kết vệ tinh dựa trên sóng vô tuyến, máy ảnh và chùm tia laser phản chiếu giữa chúng.

Chuyến bay này sẽ tự động diễn ra ở độ cao quỹ đạo khoảng 60.000km. Ở độ cao này, các nhiễu loạn từ tính, lực hấp dẫn và khí quyển sẽ ít ảnh hưởng đến các vệ tinh quay quanh. Sau thời gian hoạt động để thực hiệm nhiệm vụ, cặp vệ tinh sẽ trôi dạt một cách thụ động an toàn.

Giám đốc công nghệ ESA Dietmar Pilz cho biết trong một tuyên bố rằng việc khiến cả hai "hoạt động như thể chúng là một thiết bị khổng lồ dài 150m" sẽ là một thách thức "cực kỳ kỹ thuật, bởi vì chỉ cần sai lệch một chút là chúng sẽ không hoạt động".

ESA cho biết một trong những mục tiêu của sứ mệnh, được gọi là Proba-3, là đo tổng năng lượng của Mặt trời để cung cấp thông tin cho mô hình khí hậu.

3 nước Đông Nam Á nghỉ lễ nhiều ngày nhất: Là những nước nào?

Thái Lan, Malaysia và Philippines là những quốc gia có số ngày nghỉ lễ trong năm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan: Xứ sở chùa vàng có tất cả 19 ngày lễ quốc gia, tương đương với khoảng 20 ngày nghỉ lễ mỗi năm. Đây là một trong những quốc gia có số ngày nghỉ lễ nhiều nhất trên thế giới.

Các ngày nghỉ lễ trong năm 2024 của Thái Lan dự kiến bao bồm: Tết dương lịch 1-1 (4 ngày), ngày Makha Bucha 24-2 (1 ngày), ngày Chakri (1 ngày), Lễ hội Songkran 13 đến 16-4 (3 ngày), Ngày Quốc tế lao động 1-5 (1 ngày), ngày Visakha Bucha 22-5 (1 ngày), ngày Asanha Bucha (2 ngày).

Một số ngày lễ lớn trong 6 tháng cuối năm bao gồm ngày sinh nhật của nữ hoàng từ 1 đến 3-6 (3 ngày), ngày Chulalongkorn 23-10 (1 ngày), ngày sinh nhật của Nhà vua, ngày Quốc khánh 5-12 (1 ngày), ngày Hiến pháp Thái Lan 10-12 (1 ngày).

Malaysia: Theo lịch chính thức từ Chính phủ Malaysia, quốc gia này có 14 dịp lễ lớn cấp quốc gia, với số ngày nghỉ tùy theo năm dao động từ 15-20 ngày, cùng 38 ngày nghỉ lễ cấp tiểu bang vào năm 2024.

Các ngày lễ cấp quốc gia chính của Malaysia trong năm 2024 tương tự như một số quốc gia trong khu vực như Tết dương lịch 1-1 (1 ngày), Tết âm lịch (3 ngày), Lễ Hari Raya Puasa 24-4 (1 ngày), Ngày Quốc tế lao động 1-5 (1 ngày), Đại lễ Vesak 4-5 (1 ngày), Lễ hội Deepavali 13-11 (1 ngày), Lễ Giáng sinh 25-12 (1 ngày).

Ngoài ra, Malaysia còn có một số ngày lễ riêng như ngày Lãnh thổ liên bang 1-2 (1 ngày), lễ hội Thaipusam 25-1 (1 ngày), sinh nhật của Yang di Pertuan Agong 5-6 (1 ngày), lễ Eid Hajj 29-6 (1 ngày), Lễ Muharram 19-7 (1 ngày), ngày Quốc khánh 31-8 (1 ngày), ngày sinh của Nhà tiên tri Muhammad 28-9 (1 ngày).

Philippines: Theo lịch chính thức do Chính phủ Philippines công bố, năm 2024 quốc gia này có 18 ngày nghỉ lễ định kỳ và 7 ngày nghỉ đặc biệt.

Các ngày lễ lớn đầu năm của Philippines bao gồm Tết dương lịch 1-1 (1 ngày), Tết âm lịch (2 ngày), ngày Thứ năm Tuần thánh 28-3 (1 ngày), ngày Thứ sáu tốt lành 29-3 (1 ngày), ngày Thứ bảy đen tối 30-3 (1 ngày), Ngày của lòng dũng cảm 9-4 (1 ngày), Ngày Quốc tế lao động 1-5 (1 ngày).

Cùng một số dịp lễ lớn cuối năm khác bao gồm ngày Quốc khánh 12-6 (1 ngày), ngày Ninoy Aquino 21-8 (1 ngày), Ngày anh hùng dân tộc 26-8 (1 ngày), ngày lễ các Thánh 1-11 (1 ngày), Ngày của các linh hồn 2-11 (1 ngày), ngày Bonifacio 30-11 (1 ngày), Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội 8-12 (1 ngày), Lễ Giáng sinh (2 ngày), ngày Rizal 30-12 (1 ngày), ngày cuối năm 31-12 (1 ngày).

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>