Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Đừng nói mãi tiềm năng, coi chừng tụt lại phía sau

29/03/2024 | 04:43 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không thiếu những “chất liệu” tốt để xây dựng và phát triển ngành du lịch.

Nhiều năm qua, du lịch vùng tuy không đến nỗi “giậm chân tại chỗ” nhưng để níu chân du khách lưu trú lâu hơn, chi mạnh hơn và trở lại thêm nhiều lần nữa, thì nơi đây chưa bằng các vùng khác, thậm chí còn tụt lại phía sau...

Bài 1: Loay hoay với “của trời cho”

Một thực tế phải công nhận: ĐBSCL là vùng đất đầy tiềm năng, được thiên nhiên ban tặng cho nhiều tài nguyên vào dạng “hiếm có khó tìm”, nhưng đến nay du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển xứng tầm, loay hoay với những thách thức không dễ tìm lời giải.

Đa dạng nhưng thiếu khác biệt

Du lịch miệt vườn đang phát triển mạnh ở ĐBSCL và hầu như tỉnh, thành nào cũng triển khai mô hình này nhưng dần thiếu sức hút vì không khác biệt. Ảnh TRUNG QUÂN

Với một hệ sinh thái đa dạng nhưng có phần nhiều giống nhau của vùng nên xây dựng được một sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo riêng có là thách thức không nhỏ, nên mỗi tỉnh, thành cứ loay hoay với “của trời cho” .

Nếu có thì lại cho ra những sản phẩm na ná nhau, nên mới có chuyện du khách nói: Cứ đi vô một điểm miệt vườn, sẽ biết hết du lịch sinh thái ĐBSCL, không cần đi các điểm khác tương tự.

TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đánh giá hiện đáng buồn là thực trạng kém hấp dẫn và không rõ tính đặc thù của các sản phẩm du lịch ngày càng rõ, các địa phương khai thác các giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận góc độ đặc thù, khác biệt.

Phải nói rằng thời gian qua đã có nhiều đổi mới nhưng nhìn chung du lịch ĐBSCL vẫn chỉ khai thác dựa trên những tiềm năng sẵn có mà thiếu đi tính sáng tạo. Việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vẫn còn là bài toán khó với nhiều tỉnh, thành. Để níu chân được du khách thì sản phẩm du lịch đặc thù phải thể hiện được tính khác biệt, độc đáo của riêng mình.

Sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL chính là “Thế giới sông nước Mê Kông” (Mekong Water World) gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian bảo tàng lúa nước, bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo”, là những chia sẻ của ông Hiệp khi nhìn nhận về sản phẩm du lịch đặc thù của vùng.

Chính vì khai thác không phù hợp, chưa đặc sắc, nên khi nhắc đến du lịch ĐBSCL, phần lớn du khách đều nghĩ ngay đến chợ nổi, tham quan nhà cổ, chèo ghe dọc theo kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan vườn cây ăn trái... những sản phẩm này gần như ở các tỉnh, thành trong vùng đều có, dù ít nhiều có khác nhưng trên cơ bản nội dung đều có nhiều nét tương đồng, các sản phẩm cứ na ná nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách.

“Ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn, thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương”, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nêu thực trạng.

Sản phẩm thiếu nét riêng, nên địa phương nào gần các trung tâm lớn sẽ có lợi thế hơn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Quản lý phòng kinh doanh Cần Thơ Eco Resort, chia sẻ hiện nay các tour, tuyến du lịch sông nước, miệt vườn, tham quan chợ nổi,… thì tỉnh thành nào cũng có. Điển hình như khi muốn trải nghiệm những hoạt động trên thì du khách chỉ cần ghé đến Bến Tre hay Tiền Giang là được vì các tỉnh  này gần với Thành phố Hồ Chí Minh, thuận tiện cho việc di chuyển trong và ngoài nước, chứ không cần đi đến các tỉnh thành xa hơn.

Bao năm vẫn còn đi tìm “nhạc trưởng” và “đôi chân 3 điểm yếu”

Liên kết vùng để phát triển du lịch được các chuyên gia đánh giá là cấp thiết và phải làm đối với du lịch ĐBSCL để phát huy tiềm năng, thế mạnh nơi đây. Đồ họa LÝ ANH LAM

Tại nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, chuyên ngành của lĩnh vực du lịch, vấn đề phải tìm ra được một “nhạc trưởng” để điều phối, liên kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL liên tục được nhắc đến.

TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết mặc dù thời gian qua Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực, nhưng hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế và trở ngại. Chủ trương về việc thành lập ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL đã được nêu tại Quyết định số 194 ngày 23-01-2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”, nhưng lúng túng trong việc triển khai. Trong thực tế, cho đến nay vẫn chưa có một mô hình điều phối hoạt động du lịch vùng thực sự hiệu quả.

Nội dung liên kết không gian trong nội vùng và vùng khác, tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL đòi hỏi phải có một chương trình hành động cụ thể.

Không có một “nhạc trưởng” đứng ra làm tốt công tác điều phối, liên kết đẩy du lịch ĐBSCL vào thế khó.

“Du lịch ĐBSCL đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả, nên không gian du lịch vùng, liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh bị... ngắt khúc. Dù được thảo luận và triển khai nhiều hoạt động liên kết, nhưng trong thực tế vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển du lịch thật sự hiệu quả”, ông Hiệp nhấn mạnh.

THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>