Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Đừng nói mãi tiềm năng, coi chừng tụt lại phía sau

30/03/2024 | 06:52 GMT+7

Điều đáng nói là nhiều tỉnh, thành khi bàn câu chuyện phát triển du lịch đều đề cập tiềm năng, lợi thế lớn nhưng lại chưa nói được các giải pháp, cách thức giải quyết các “điểm nghẽn” giúp du lịch bứt phá.

Bài 2: Bài toán khó về nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông

Thực trạng về nguồn nhân lực, điểm nghẽn cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, là những rào cản lớn cho “ngành công nghiệp không khói” cả miền Tây hiện nay.  

Nguồn nhân lực thiếu cả chất và lượng

Trong một hội thảo liên quan đến câu chuyện này mới đây, đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch của vùng ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho rằng đây là vùng có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao.

Bên cạnh đó, còn có hơn 735km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ. Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá, hiếm vùng đất nào có được, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng với nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh,…

Theo thống kê, lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% - thấp nhất trong ngành.

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 Điều này tạo ra một thách thức không nhỏ để du lịch ĐBSCL có thể bứt phá trong tương lai…

 Theo nhiều chuyên gia đánh giá, một trong những vấn đề cần được đào sâu bàn bạc là việc làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch.

Trong khi nhu cầu ngày càng cao nhưng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản còn thiếu.

Ông Mai Ngọc Thuyết, Phó Giám đốc, Trung tâm phát triển du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện tại sau thời dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều. Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% - thấp nhất trong ngành. Ở các điểm miệt vườn, homestay, khu du lịch, hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.

Từ góc độ đơn vị đào tạo nhân lực, ông Nguyễn Phúc Viễn Đông, Trưởng phòng tuyển sinh và học vụ Hotel Academy, đánh giá nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch.

Theo báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 51%, lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kể khoảng 8%, nằm trong kết quả đào tạo tổng thể này, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của vùng còn rất hạn chế, nhiều lao động chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch một cách chuyên nghiệp.

Khó “cất cánh” khi thiếu đường bay...

Nhiều đơn vị lữ hành thông tin: Sân bay Cần Thơ dù là sân bay quốc tế nhưng trên thực tế không có đường bay quốc tế nào được duy trì đến thời điểm hiện tại.

Lợi thế sẵn có là vậy nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, ngành du lịch ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế.

ĐBSCL là vùng có thế mạnh về đường sông, đường biển nhưng sự kết nối giao thông trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển hành khách còn dài.

Hệ thống giao thông đường bộ hiện nay đang được đầu tư, đặc biệt là các tuyến cao tốc kết nối vùng, nhưng đó là chuyện tương lai.

Với đường hàng không mấu chốt để hút khách quốc tế, tuy có phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngành du lịch. Cả vùng có hai địa phương là Cần Thơ và Phú Quốc có sân bay quốc tế và hai sân bay nội địa ở Cà Mau và Rạch Giá (Kiên Giang), tuy nhiên hiệu quả mang lại không như kỳ vọng, công suất không đáp ứng được nhu cầu, ít chuyến nên giá vé khá chát.

Đứng ở góc độ của doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ đơn cử như Sân bay Cần Thơ dù là sân bay quốc tế nhưng trên thực tế là hoàn toàn không có đường bay quốc tế nào được duy trì đến thời điểm hiện tại.

Trong số 11 đường bay nội địa từ Cần Thơ kết nối các vùng miền hiện nay chỉ còn có 4 đường bay. Không có đường bay từ các tỉnh thành và quốc tế nên việc kết nối để phát triển du lịch ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Quản lý Phòng kinh doanh Cần Thơ Eco Resort, thông tin lượng khách nội địa đến với resort dù có phục hồi nhưng vẫn chưa mạnh do một phần nguyên nhân từ việc các chuyến bay đến Cần Thơ đã ngừng khai thác, làm việc di chuyển của du khách từ các nơi trong và ngoài nước bằng đường hàng không gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Nhiều khó khăn bủa vây đang trở thành rào cản rất lớn để du lịch ĐBSCL có thể phát triển xứng tầm với những lợi thế sẵn có. Cái khó cứ nói mãi nhiều năm nay nhưng vẫn cứ tồn tại…  

THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>