Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Đừng nói mãi tiềm năng, coi chừng tụt lại phía sau

31/03/2024 | 07:28 GMT+7

Dù rất nhiều giải pháp được nói, được bàn, được chia sẻ nhưng để đi vào thực tế, hiện thực hóa, để du lịch thật sự đóng góp mạnh vào phát triển kinh tế... còn là câu chuyện dài.

Du lịch “đất Chín Rồng” đang thiếu gì để bay cao, vươn xa ?...

Bài 3: Doanh thu từ du lịch ấn tượng nhưng không phải tỉnh, thành nào cũng đạt ngàn tỉ

Doanh thu từ du lịch cả vùng hơn 45.700 tỉ đồng được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thông tin là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, không phải tỉnh, thành nào cũng đạt doanh thu cao từ du lịch, nhiều địa phương chật vật để đạt doanh thu vài trăm tỉ đồng, vẫn mơ ước con số ngàn tỉ từ “ngành công nghiệp không khói”...

Chỉ mỗi ở Phú Quốc đã chiếm hơn 30% trong tổng doanh thu du lịch cả vùng. Trong ảnh thị trấn Hoàng Hôn (Sunset Town) ở Nam Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp của thiên nhiên và kiến trúc độc đáo.

Doanh thu ấn tượng, nhưng....

Trong năm 2023, du lịch ĐBSCL có sự phục hồi mạnh mẽ. Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, du lịch vùng có sự tăng trưởng vượt đỉnh năm 2019, thu hút gần 45 triệu lượt khách (tăng 20,5%), đạt doanh thu hơn 45.700 tỉ đồng, tăng hơn 42,5% so năm 2022.

Trong số này, riêng thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đã chiếm hơn 30% (theo công bố, du lịch Phú Quốc đạt doanh thu hơn 13.900 tỉ đồng của năm 2023), số địa phương đạt danh thu ngàn tỉ từ du lịch không nhiều.

Nếu nhìn vào du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thì doanh thu cả vùng có cộng lại cũng còn phải phấn đấu rất xa, doanh thu năm 2023 của địa phương này là 160.000 tỉ đồng.

Tất nhiên, so sánh sẽ rất khập khiễng nhưng nên nhìn vào đó để nỗ lực, thay đổi là điều cần thiết.

Đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng

Theo TS. Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, để doanh thu tăng và đóng góp lớn cho ngành kinh tế như các lĩnh vực khác, du lịch miền Tây cần tập trung 3 mũi đột phá trong triển khai thực hiện là xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; Tạo nguồn lực vật chất đầu tư; Phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực du lịch vùng.

Trong đó, đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL với nhiệm vụ chính là điều phối hoạt động du lịch chung của cả vùng ĐBSCL và thống nhất kế hoạch phát triển của các địa phương theo kế hoạch, định hướng phát triển du lịch chung của cả vùng. Xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL và kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster – cụm ngành du lịch”. Đồng thời, có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Ở góc độ là đơn vị đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, ông Nguyễn Phúc Viễn Đông, Trưởng phòng tuyển sinh và học vụ Hotel Academy, đồng quan điểm khi cho rằng để có nguồn nhân lực đạt cả chất lẫn lượng đòi hỏi phải định hình nguồn nhân lực có trình độ và tư duy hội nhập quốc tế ngay từ bậc học phổ thông. Nhân sự ngành du lịch ngoài kiến thức còn cần được trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng tự học, kỹ năng quản lý, phổ cập công nghệ và ngoại ngữ,… Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, tư duy có trách nhiệm.

Về góc độ xây dựng tour, tuyến và sản phẩm đặc thù, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng cần phát triển mạng lưới chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn nhằm cung cấp đến khách du lịch những địa chỉ các dịch vụ du lịch có uy tín và chất lượng trong khu vực ĐBSCL. Xây dựng khu trung tâm văn hóa ẩm thực bởi ẩm thực chính là sự kết tinh văn hóa của cả một vùng miền. Tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao, và lễ hội địa phương. Xây dựng các chương trình du lịch tổng hợp, kết nối các nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer - Chăm trong các lộ trình thích hợp…

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các hãng hàng không để mở rộng chuyến bay thuê bao (charter flights) đến miền Tây theo mùa. Mở rộng hơn là tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế với các tổ chức du lịch và tham gia vào các triển lãm và sự kiện du lịch quốc tế để nâng cao tầm nhìn và tên tuổi của ĐBSCL trên bản đồ du lịch thế giới.

Hãy hành động và làm nhiều hơn để du lịch miền Tây bứt phá...

Du lịch miền Tây không thiếu cảnh đẹp nhưng vấn đề là khai thác sao cho ấn tượng và không trùng lắp.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, gợi ý cần tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất, về chính sách phát triển du lịch. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn các cơ thế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thứ hai, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Thứ ba, nâng cao tính cạnh tranh, dựa trên ba yếu tố chính sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ (bao gồm nguồn nhân lực) và xúc tiến du lịch, từ đó đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của Việt Nam và khu vực.

Bên cạnh việc tập trung vào các vấn đề liên quan đến phát triển tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chia sẻ thêm: “Cần chú trọng, quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù vì đây là nhu cầu cấp bách và xu hướng tất yếu khách quan. Việc chuyển đổi số không được quan tâm sẽ dễ dẫn đến việc lạc hậu, hiệu quả kinh doanh sẽ không cao”.

Du lịch miền Tây vốn dĩ đầy lợi thế nhưng đã đến lúc ngừng nói về lợi thế, mà thay vào đó hãy hành động, khai thác lợi thế ra sao để “ngành công nghiệp không khói” đất “Chín Rồng” bay cao, vươn xa...

Bài, ảnh: THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>