Người cao tuổi nêu gương phát triển kinh tế

06/09/2023 | 09:18 GMT+7

Hưởng ứng Phong trào thi đua “Người cao tuổi (NCT) làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội NCT Việt Nam phát động, đã xuất hiện những tấm gương điển hình năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

NCT trên địa bàn tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Tuổi cao - Gương sáng

Là một trong những cá nhân điển hình được tuyên dương trong phong trào NCT làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, ông Dương Văn Lạc, ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề thợ mộc chuyên đóng vỏ, ghe, xuồng bằng gỗ. Tiếp nối công việc của gia đình để lại, khoảng năm 1987 tôi mở một trại cưa chuyên xẻ gỗ gia công, lúc đầu kinh doanh rất hiệu quả, còn tạo được việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, về sau này nguồn gỗ không ổn định, khan hiếm nguồn cung, giá cả lại tăng, hoạt động gặp khó. Trong những lần tìm hiểu, tôi biết ở vùng đất Kiên Giang, Cà Mau người ta sử dụng nhựa composite để sản xuất vỏ lãi, ghe, xuồng thay cho sản phẩm gỗ truyền thống. Năm 2015, tôi mạnh dạn chuyển sang làm vỏ, ghe, xuồng bằng nhựa composite bước đầu khá thành công”.

Nhờ mạnh dạn chuyển sản xuất vỏ, ghe, xuồng từ cây gỗ sang nhựa composite công việc làm ăn của gia đình ông Lạc không chỉ ổn định, mà còn ngày càng phát triển hơn so với trước. “Vỏ, ghe, xuồng sản xuất bằng nhựa composite sản phẩm vừa nhẹ, lại phù hợp với túi tiền của người sử dụng. Khi đã làm được sản phẩm, tôi bắt đầu tìm thị trường tiêu thụ đến nay, ngoài cơ sở tiêu thụ chính tại tỉnh, tôi còn kết nối thêm được 10 đại lý tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh ngoài như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Mỗi năm, cơ sở tôi sản xuất trên 1.000 chiếc vỏ, ghe, xuồng các loại, doanh thu hơn 1 tỉ đồng”, ông Lạc chia sẻ thêm.

Với phương châm hội viên còn sức khỏe, có điều kiện trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn con cháu về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và cải thiện cuộc sống. Những năm qua, các cấp hội NCT trên địa bàn huyện Phụng Hiệp chủ động triển khai, phát động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Qua đó, giúp NCT thay đổi phương thức canh tác cũ, mạnh dạn bỏ vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đưa vào sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Pha, Trưởng Ban đại diện Hội NCT huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các đoàn thể, chi nhánh ngân hàng tạo điều kiện cho 1.400 lượt hộ NCT vay vốn với số tiền hơn 40 tỉ đồng để sản xuất, kinh doanh. Địa phương có trên 3.000 NCT đạt tiêu chí làm kinh tế giỏi các cấp ở nhiều lĩnh vực. Từ phong trào NCT làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều tấm gương NCT là hộ nghèo, cận nghèo quyết tâm vượt khó phát triển kinh tế, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCT trên địa bàn”.

Đóng góp thiết thực cho xã hội

Toàn tỉnh hiện có 102.825 NCT, chiếm hơn 13,2% so với dân số toàn tỉnh, trong đó có 94.668 NCT đang là hội viên ở các cấp hội. Giai đoạn 2018-2023, trên địa bàn tỉnh có 15.300 hội viên NCT đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, với 8.770 NCT đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi các cấp. Những năm qua, Hội NCT các cấp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai, vận động NCT tham gia phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, làm kinh tế giỏi ở địa phương kết hợp phong trào thi đua Tuổi cao - gương sáng hàng năm. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của NCT về ý nghĩa, mục đích của phong trào trước hết là đem lại lợi ích cho gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quận, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh, cho biết: “Qua phát động phong trào NCT làm kinh tế giỏi, đã tác động tích cực đến nhận thức của NCT. Từ những hoạt động sản xuất nhỏ, lẻ, quy mô kinh tế gia đình, nhiều NCT đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Giai đoạn 2018-2023, qua bình xét toàn tỉnh có 8.770 NCT sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Không chỉ góp phần cải thiện kinh tế gia đình, từ phong trào NCT làm kinh tế giỏi còn đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của địa phương. Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá: “Phong trào NCT làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, đã huy động được tất cả NCT còn sức khỏe, bằng kinh nghiệm, trí tuệ cùng góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để phong trào lớn mạnh hơn nữa bên cạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, thì cần tập trung đưa phong trào NCT làm kinh tế giỏi phát triển theo hướng sản xuất trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Qua đây, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng tỷ lệ hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo trong NCT”.

Giai đoạn 2018-2023, phong trào NCT làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều NCT giỏi trên các mặt: sản xuất nông nghiệp có 4.118 cá nhân NCT; sản xuất công nghiệp, xây dựng có 825 NCT; sản xuất tiểu thủ công nghiệp xuất hiện gần 3.000 NCT dám nghĩ, dám làm; về thương mại, dịch vụ có 1.156 NCT phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”…

Bình quân hàng năm số lượng NCT đăng ký đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi các cấp tăng 2%, nâng tổng số NCT làm kinh giỏi toàn tỉnh đạt 59% (so với giai đoạn 2014-2018, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm tăng 3 lần)…

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>