Cách giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng bào thai

20/11/2023 | 07:46 GMT+7

Dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố quyết định sức khỏe của người mẹ khi mang thai và sự phát triển toàn diện của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.

Bác sĩ tư vấn dinh dưỡng cho thai phụ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Thế nhưng, không phải thai phụ nào cũng nhận biết được những thực phẩm nên hay không nên ăn hoặc uống trong thai kỳ. Thực tế ghi nhận qua quá trình khám thai, thai phụ có quan tâm cung cấp dinh dưỡng khi mang thai nhưng chưa biết bổ sung dinh dưỡng sao cho hợp lý.

Chị Nguyễn Băng Băng, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, mang thai con thứ 2 được 18 tuần, đến khám thai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, bộc bạch: “Khi mang thai tôi cũng tự tìm hiểu nhiều về chế độ dinh dưỡng để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con phát triển tốt nhất. Tôi cố gắng ăn nhiều rau, thịt, cá,… nhưng vẫn uống trà, cà phê. Bác sĩ khuyên tôi không nên uống trà, cà phê sẽ ảnh hưởng không tốt trong quá trình mang thai”.

Còn chị Lê Thị Ngọc Hân, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, đã duy trì khám thai định kỳ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang trong suốt hơn 27 tuần mang thai để theo dõi sát sự phát triển của con. Chị Ngọc Hân chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi đến bệnh viện khám thai định kỳ. Vì không bị nghén nên tôi khá thuận lợi trong ăn, uống cung cấp dinh dưỡng. Mỗi lần khám thai, bác sĩ đều quan tâm hỏi tôi về theo chế độ dinh dưỡng. Bác sĩ tư vấn tôi uống thêm sữa và mỗi lần khám thai đều nhắc uống bổ sung sắt, canxi theo chỉ định”.

Bên cạnh khám bảo vệ sức khỏe, các bác sĩ khoa sản luôn lồng ghép tư vấn dinh dưỡng đảm bảo sự phát triển theo từng giai đoạn trong thai kỳ của thai nhi. Bác sĩ Nguyễn Dương Công Nguyên, Khoa Sản, Bệnh vện Sản Nhi tỉnh, nhận định: “Trong quá trình khám thai, chúng tôi luôn lồng ghép thăm hỏi về chế độ dinh dưỡng của thai phụ, nếu có vấn đề gì sẽ tư vấn điều chỉnh. Điểm thuận lợi phụ nữ mang thai khám thai rất đầy đủ, ít trường hợp không đi khám định kỳ. Một số trường hợp qua khám thai chỉ số cân nặng, chiều cao thấp so với bình thường. Chúng tôi sẽ theo dõi, tìm nguyên nhân do đâu thai nhi không tăng cân hoặc nặng cân quá ngưỡng, do chế độ ăn hay do bệnh lý để tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất”.

Thực tế hiện nay, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ đã được người dân quan tâm nhiều hơn, đồng thời với sự tăng cường tư vấn, hỗ trợ của nhân viên y tế đã giúp các bà mẹ hiểu và thực hành dinh dưỡng hợp lý trong suốt khoảng thời gian mang thai. Kết quả hầu hết trẻ sinh ra đều có cân nặng đảm bảo, số trẻ nhẹ cân không nhiều. Bà Lê Kim Yến, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm nay, cả tỉnh có 5.039 trẻ sơ sinh đẻ ra sống, trẻ được cân đạt 100%, trong đó chỉ có 106 trẻ đủ tháng nhẹ cân dưới 2.500 gam”. Đây là kết quả phấn khởi đạt được nhờ tăng cường các hoạt động chăm sóc, tư vấn dinh dưỡng thai kỳ ở tỉnh thời gian qua.

Trao đổi về vấn đề chăm sóc dinh dưỡng thai kỳ sao cho hợp lý?, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Thị Phấn, Phó khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, khuyến cáo: “Phụ nữ mang thai không nên dùng các đồ uống chứa chất kích thích như rượu, cà phê, nước trà đậm đặc, giảm ăn các loại gia vị như: ớt, tiêu, tỏi… Trái lại, cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đa dạng thức ăn trong giai đoạn mang thai. Cần có chế độ ăn bổ sung hợp lý có đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất thông qua các thực phẩm đa dạng bao gồm rau, quả, thịt, cá và các loại hạt. Phụ nữ có thai cần bổ sung viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng hàng ngày để phòng chống thiếu máu, thiếu sắt từ khi bắt đầu có thai cho tới một tháng sau sinh”.

Trong thời gian có thai người mẹ cần tăng cân từ 10 - 12kg, để sinh con có cân nặng khoảng 3.000 gam. Mức tăng cân của bà mẹ và cân nặng của trẻ khi sinh phụ thuộc vào khẩu phần của mẹ. Nếu khẩu phần có mức năng lượng thấp, mẹ tăng cân ít sẽ có nguy cơ trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2.500 gam, bị suy dinh dưỡng bào thai.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>