Chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc lá

06/05/2020 | 07:58 GMT+7

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 cas/năm vào năm 2030.

Tất cả các cơ sở y tế của tỉnh đều tích cực triển khai công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: HỒNG DIỄM

Hút thuốc lá: Hậu quả và bệnh tật

Ở Việt Nam, có 15,6 triệu người hút thuốc, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành sẽ có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Bên cạnh đó, có 28,5 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nhà và 5,9 triệu người không hút thuốc bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc (số liệu theo điều tra GATS 2015).

Việc sử dụng thuốc lá không đúng nơi quy định gây nên tình trạng hút thuốc thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, là sự vi phạm quyền bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc. Không những thế, hút thuốc lá là nguyên nhân số 1 gây nên “nạn dịch” về bệnh tật dẫn đến những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội.

Nếu nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản của người hút thuốc cao gấp 8-10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc lá.

Hút thuốc lào hay thuốc lá đều có hại cho sức khỏe của chính người hút và những người xung quanh. Thuốc lào có hàm lượng Nicotin khoảng 9%, cao hơn nhiều so với thuốc lá thông thường (khoảng 1-3%). Khi thuốc lào cháy sẽ tạo ra 56 loại chất độc khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là Benzopyren.

Khói thuốc lào có thể gây nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đường ruột và bài tiết của người hút chủ động và bị động. Những người hút thuốc lào có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư vòm họng, ung thư phổi, thực quản, đại tràng, phổi tắc nghẽn mạn tính, tai biến mạch máu não...

Cần chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc

Môi trường làm việc không khói thuốc lá góp phần tạo nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giữ gìn tốt sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường. Người làm việc trong môi trường không khói thuốc lá có ít triệu chứng về hô hấp hơn và giảm lượng carbon monoxide trong cơ thể.

Môi trường làm việc không khói thuốc cũng là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Đồng thời, giúp người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy chung tay xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, cần có sự quan tâm ủng hộ và chỉ đạo việc giám sát thường xuyên của lãnh đạo các cấp và chấp hành nghiêm túc của cán bộ, công nhân viên đơn vị. Để việc xây dựng môi trường không thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống, đến được với mọi người, mọi nhà, thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần thiết phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Công tác tuyên truyền phổ biến về tác hại thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn về tác hại của thuốc lá và Luật PCTH thuốc lá cần phải được thực hiện thường xuyên liên tục. Cần cung cấp tài liệu, tờ rơi về phòng, chống tác hại thuốc lá đến các đơn vị bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú về tác hại của thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc. Các cơ quan, đơn vị ký giao ước thi đua với các tiêu chí: Đơn vị không có cán bộ, người lao động hút thuốc lá; tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá.

Theo khảo sát trên địa bàn tỉnh Hậu Giang: 100% cơ quan, trường học có treo biển “Cấm hút thuốc”; hơn 80% cơ quan có quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc trong Quy chế nội bộ; hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn có các quy định cấm hút thuốc lá,... Đối với ngành y tế, 100% cơ quan, đơn vị đều có biển cấm hút thuốc; tỷ lệ cán bộ, y, bác sĩ nói không với thuốc lá chiếm trên 90%; tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, người bệnh, người nhà bệnh nhân được nâng cao ý thức, hầu như không còn tình trạng hút thuốc tại bệnh viện, nhất là tại các khoa khám bệnh, hồi sức, cấp cứu... 88,4% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 94,9% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 65,8% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL…

 

BSCKII. LÊ VĂN CHÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>