Không chủ quan trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm

25/03/2024 | 08:14 GMT+7

Những tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Vị Thanh giảm nhưng bệnh tay - chân - miệng tăng so với cùng kỳ, công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm đã và đang được chú trọng.

Nhân viên y tế Trạm Y tế Phường IV truyền thông tại cộng đồng nâng cao nhận thức người dân về dịch bệnh truyền nhiễm.

Tình hình dịch bệnh có tăng nhưng được kiểm soát

Ông Võ Phước Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, thông tin: “Theo số liệu giám sát dịch trong 3 tháng qua, thành phố ghi nhận 5 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 74 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trái lại, bệnh tay - chân - miệng (TCM) ghi nhận 27 ca, tăng 19 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số ca bệnh TCM tăng nhưng phân tích theo từng tháng cho thấy số ca mắc có chiều hướng giảm, đang được kiểm soát tốt trên địa bàn. Trong tháng 1 ghi nhận đến 23 ca bệnh, nhưng tháng 2 và tháng 3 (tính đến thời điểm này) mỗi tháng chỉ ghi nhận 2 ca bệnh”.

Kết quả này là nhờ có sự nỗ lực kiểm soát không để dịch bệnh gia tăng của toàn ngành y tế thành phố. Công tác theo dõi, báo dịch, giám sát thực hiện phòng chống dịch luôn được duy trì hàng ngày. Ông Chu Biên Cương, cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch bệnhTrạm Y tế Phường IV, cho biết: “Mới đây, phường ghi nhận 1 ca bệnh TCM, chúng tôi hướng dẫn cho các gia đình lau chùi nhà cửa, rửa dụng cụ, đồ chơi của trẻ, vận động giữ gìn vệ sinh nơi ở, thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách thường xuyên để phòng tránh lây bệnh cho những trẻ khác xung quanh với bán kính 100m”.

Giám sát, tăng cường truyền thông thời gian qua đã giúp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, kiểm soát tốt tình hình dịch ở địa bàn phường IV cũng như toàn thành phố.

Phường IV là địa bàn có số ca mắc TCM cao nhất ở thành phố những tháng đầu năm nay với 9 ca bệnh. Song đặc điểm dịch TCM xảy ra ở địa bàn này đáng quan ngại khi có 3/9 ca bệnh trên 5 tuổi. Trong khi thông thường đối tượng mắc bệnh TCM chỉ là trẻ dưới 5 tuổi.

Đây là vấn đề cần được quan tâm trong phòng, chống bệnh TCM thời gian tới.

Rất cần sự chung tay của người dân

Ngành y tế thành phố xác định ngoài các giải pháp giám sát chặt kiểm soát khi có các ca bệnh xảy ra thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân, huy động sự vào cuộc của mỗi gia đình chung tay thực hiện công tác phòng, chống dịch là mấu chốt quan trọng.

Ông Chu Biên Cương, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh, Trạm Y tế Phường IV, nhấn mạnh: “Qua thực tế, chúng tôi thấy được các gia đình đã có kiến thức về các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Đối với mỗi ca bệnh xảy ra, chúng tôi tuyên truyền cho các gia đình xung quanh và phát tờ rơi để nâng cao kiến thức của các gia đình về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Hoạt động truyền thông đạt hiệu quả tốt nhất, cần có sự vào cuộc của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người thành phố và các xã, phường, tăng cường chỉ đạo sự phối hợp, hỗ trợ truyền thông của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là tuyên truyền trong trường học.

Công tác truyền thông ở các điểm trường được quan tâm thực hiện thường xuyên. Vào mỗi ngày khi nhận trẻ đến lớp, giáo viên cần quan sát và phát hiện các dấu hiệu trẻ bị bệnh để cách ly kịp thời với các trẻ khác tránh tình trạng dịch lây lan cho nhiều trẻ trong một lớp học. Phối hợp thông báo với ngành y tế để phòng bệnh hiệu quả, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho phụ huynh

Ông Võ Phước Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Theo kế hoạch hàng năm, chúng tôi cũng sẽ triển khai các đợt cao điểm truyền thông để kêu gọi toàn thể người dân chung tay phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, thường là từ 3 đến 4 đợt chiến dịch truyền thông. Đây cũng sẽ là những giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống dịch bệnh”.

Mùa mưa sắp tới là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết gia tăng, bệnh TCM vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại nếu không chủ động thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Khi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường xuyên mới bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>