Phòng dịch hiệu quả nhờ người dân nâng cao ý thức

03/07/2024 | 08:31 GMT+7

Ở huyện Châu Thành, bệnh truyền nhiễm trên người giảm những tháng đầu năm nay. Đây là kết quả từ sự chủ động khâu dự phòng, trong đó chú trọng xây dựng ý thức phòng bệnh của người dân.

Cán bộ ấp Phú Xuân (phải) tuyên truyền và cùng người dân ở khu vượt lũ kiểm tra lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước.

Từ mô hình Truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết

Tháng 8-2023, tại Khu vượt lũ ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, liên tục xuất hiện các ca bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đây là khu vực đông dân cư, nếu không kịp thời phòng dịch sẽ có thể xảy ra ổ dịch lớn. Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đã phối hợp với thị trấn Mái Dầm thực hiện mô hình Truyền thông phòng, chống SXH ở khu vượt lũ này, huy động 100 hộ dân tham gia.

Mô hình có được sự đồng thuận của đa số hộ dân. Bà Lê Thị Dung cho biết: “Tôi biết bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong, khi cán bộ y tế đến vận động tham gia mô hình, tôi thực hiện theo. Dọn dẹp vệ sinh thoáng mát thường xuyên, kiểm tra loại bỏ các vật dụng chứa nước quanh nhà có thể là nơi có lăng quăng. Thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt để phòng bệnh”. 

Từ khi thực hiện mô hình, trong khu vượt lũ không có trường hợp nào mắc bệnh SXH. Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó trưởng Trạm Y tế thị trấn Mái Dầm, thông tin: “Mô hình được thực hiện đã phát huy hiệu quả, kiểm soát được tình hình dịch SXH ở khu vượt lũ. Công tác truyền thông đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức, tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp như họp dân tuyên truyền, đi tuyên truyền thường xuyên tận nhà từng hộ dân, phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền,... Người dân tiếp cận thông tin chính xác và cụ thể nhất nên hiểu rõ hơn về dịch bệnh cũng như cách phòng bệnh. Chúng tôi đã kiểm tra kiến thức đầu vào mới thực hiện mô hình và kiến thức người dân 3 tháng sau, nhận thức người dân đã nâng lên đáng kể”.

Để duy trì kết quả này, địa phương luôn tăng cường truyền thông, nhắc nhở người dân. Ông Nguyễn Văn Bé Hai, Phó trưởng ấp Phú Xuân, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Không chỉ bệnh SXH mà còn các dịch bệnh khác tùy thời điểm. Mô hình chỉ là khởi đầu, muốn duy trì không xảy ra dịch bệnh, thì người dân phải quan tâm thực hành thường xuyên. Ấp đã triển khai nhân rộng mô hình ra các cụm dân cư khác để nâng cao nhận thức của người dân trên toàn ấp về phòng dịch bệnh truyền nhiễm”.   

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trung tâm Y tế huyện dự kiến sẽ nhân rộng triển khai ở Khu vượt lũ xã Phú Tân trong tháng 7 này.

Ông Nguyễn Thái Dương, Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và Công tác xã hội - Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, thông tin: “Trung tâm y tế đã phối hợp với UBND, Trạm Y tế, cộng tác viên xã Phú Tân đi khảo sát, thu thập thông tin ban đầu tại ấp Phú Tân A. Trung tâm Y tế đang phân tích số liệu để xây dựng kế hoạch. Dự kiến, trong tuần này sẽ triển khai kế hoạch để tổ chức lễ ra quân xây dựng mô hình tại ấp Phú Tân A”.

Mô hình này dự kiến sẽ có 100 hộ dân tham gia. Việc nhân rộng mô hình nhằm nâng cao kiến thức và nhận thức của người dân trong phòng, chống SXH nói riêng và dịch bệnh nói chung. Kéo giảm số ca bệnh ở xã Phú Tân do 6 tháng qua xã có 12 ca bệnh SXH, cao nhất so với các xã, thị trấn khác của huyện.

Để chủ động phòng dịch, ngoài nâng cao nhận thức người dân, ngành y tế huyện đã tăng cường khâu giám sát chặt khi có xảy ra ca bệnh ở địa bàn. Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, cho biết: “Các ca bệnh, ổ dịch nhỏ xảy ra đều được kiểm soát hiệu quả. Việc kiểm soát kịp thời đã giúp phòng lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh. Đây là giải pháp quan trọng khống chế các ổ dịch nhỏ, không để xảy ra dịch lớn ở huyện”.

Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 29 ca bệnh SXH, giảm 36 ca và 23 ca bệnh tay - chân - miệng, giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Trong những tháng cuối năm, ngành y tế huyện nhận định nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Trên địa bàn có khu công nghiệp tập trung đông công nhân nên có nguy cơ mang mầm bệnh từ nơi khác đến cho địa phương nguy cơ rất cao. Sự hiểu biết về bệnh SXH, tay - chân - miệng của người dân có được nâng lên nhưng một số hộ gia đình chưa tự giác thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH, tay - chân - miệng.

Ngành y tế huyện tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền vận động có chiều sâu đến các hộ gia đình về kiến thức và cách phòng, chống bệnh SXH và bệnh tay -chân - miệng cũng như các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.  Tích  cực điều trị, giảm chuyển biến nặng và hạn chế thấp nhất tử vong do 2 dịch bệnh này.

99% người dân hiểu biết nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Đánh giá sau thực hiện mô hình Truyền thông phòng, chống SXH ở khu vượt lũ, ấp Phú Xuân, cho thấy có đến 99% người dân biết nguyên nhân gây bệnh SXH Dengue, biết muỗi vằn là thủ phạm truyền bệnh SXH từ người bệnh sang người lành khi chích - hút máu, nhận ra các biểu hiện của bệnh. Bệnh nguy hiểm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ gây biến chứng nặng và có thể tử vong.

 

HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>