Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

28/12/2017 | 07:55 GMT+7

Do thời tiết đang vào mùa Đông xuân, là điều kiện thuận lợi để tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh, ngành y tế tỉnh nhà đang ráo riết thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh có thể bùng phát vào những tháng cuối năm và đầu năm 2018.

Phun hóa chất xử lý ổ dịch bệnh sốt xuất huyết ở huyện Phụng Hiệp. 

Tuyên truyền để phòng bệnh

Do địa bàn rộng với 15 xã, thị trấn nên nhiều năm qua huyện Phụng Hiệp được biết đến là địa phương có khá nhiều cas mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2017 và tính theo chu kỳ 5 năm, Phụng Hiệp lại là địa phương có tình hình dịch bệnh khá ổn định, không có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay huyện Phụng Hiệp ghi nhận 74 cas SXH, giảm 27 cas so với cùng kỳ 2016, tính trung bình 5 năm giảm 6,8%. Để giúp tình hình ổn định thì việc chủ động và nâng cao ý thức từ người dân là yếu tố vô cùng quan trọng. Xã Hòa Mỹ là một trong những xã trên địa bàn huyện Phụng Hiệp ghi nhận nhiều cas SXH năm 2016 nhưng từ đầu năm đến nay chỉ ghi nhận 5 cas, giảm 4 cas so cùng kỳ. Bà Lê Kim Hồng, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Mỹ, cho biết: “Chúng tôi luôn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân. Ngay tại trạm cũng nuôi cá lia thia để cho người dân và cấp phát xuống địa bàn khi thực hiện chiến dịch”.

Chính hiệu quả trong công tác tuyên truyền đã giúp nhận thức người dân được nâng lên một cách rõ rệt. Người dân luôn tự ý thức chăm sóc bản thân và gia đình một cách tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh. Cô Nguyễn Thị Lệ, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, bộc bạch: “Các cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền nên tôi và gia đình luôn ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh. Việc giữ gìn vệ sinh xung quanh nhà và nơi ở là điều thật sự cần thiết bởi sẽ góp phần quan trọng giúp việc phòng, chống dịch bệnh đạt được hiệu quả tốt nhất”.

Ngành y tế huyện Phụng Hiệp còn tích cực hưởng ứng các chiến dịch phòng, chống SXH do tỉnh phát động (3 đợt). Ngoài ra, huyện còn chủ động tổ chức thêm 1 đợt chiến dịch khác tại địa phương. Riêng những nơi có ổ dịch cũ, ngành y tế luôn chủ động kiểm tra, giám sát và khống chế một cách kịp thời. Ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Mục tiêu chúng tôi hướng đến là ngăn chặn và khống chế tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện một cách ổn định, không để bệnh bùng phát thành dịch. Đồng thời, cán bộ y tế thường xuyên đi thực tế cộng đồng để nắm bắt tình hình và có báo cáo kịp thời nhất”.

Ngoài ngăn chặn SXH, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chủ động lập ra nhiều kế hoạch cụ thể để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng (TCM).

Kịp thời ngăn chặn dịch bệnh

Tại huyện Long Mỹ, ngành y tế địa phương đã chủ động tổ chức nhiều biện pháp, phối hợp khá chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm phòng, chống bệnh TCM. Ông Trần Phong Nhã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với trường học để ngăn chặn bệnh TCM bởi trẻ nhỏ là đối tượng thường xuyên mắc bệnh. Ngoài ra, cấp phát cloramin B hàng tuần cho trường học để các giáo viên lau và vệ sinh lớp học”. Bên cạnh đó, để dịch bệnh không bùng phát, ngành y tế huyện còn đến vận động tuyên truyền tại hộ gia đình với mong muốn đem đến cho người dân một kiến thức về phòng bệnh. Tính từ đầu năm đến nay, huyện Long Mỹ ghi nhận 51 cas TCM, giảm 9 cas so với cùng kỳ 2016.

Để kịp thời ngăn chặn tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh quyết tâm xây dựng chiến dịch phòng, chống bệnh SXH, bệnh do vi-rút zika và bệnh TCM đợt 4 năm 2017. Nhằm mục đích tạo ra phong trào phòng bệnh đồng bộ, toàn diện và mang lại hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng thực hiện vệ sinh môi trường nhằm làm giảm mật độ côn trùng trong thời gian ngắn nhất, giảm bớt sự lan truyền bệnh dịch, khống chế không để dịch lớn xảy ra trong địa bàn tỉnh. Chiến dịch sẽ diễn ra trên 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Tôi hy vọng các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với ngành giáo dục, vận động tại hộ gia đình để phòng, chống dịch bệnh. Nhiều mô hình phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cần được phát huy và nhân rộng để giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra”.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận khá nhiều cas SXH, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Vài tuần trở lại đây, dịch bệnh có xu hướng chững lại. Riêng tại Hậu Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 378 cas SXH, tăng 66 cas so cùng kỳ, không có cas tử vong (2016 là 1 cas); 695 cas TCM, tăng 40 cas so cùng kỳ. Bệnh đều xảy ra ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>