Thận trọng với dịch bệnh do muỗi truyền

20/09/2017 | 08:30 GMT+7

Các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét, bệnh do vi-rút zika,... có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa có nguy cơ lây lan nhanh và bùng phát thành dịch.

Thường xuyên kiểm tra, diệt lăng quăng trong dụng cụ chứa nước là những biện pháp hiệu quả phòng các bệnh do muỗi truyền.

Diễn biến phức tạp của bệnh do muỗi truyền

Vào mùa mưa, muỗi có khả năng phát triển mạnh, nhất là vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 yếu tố nhiệt độ môi trường, độ ẩm, nước ngập,… thích hợp cho muỗi có điều kiện đẻ trứng và phát triển.

Tính từ đầu năm đến ngày 17-8-2017, cả nước ghi nhận hơn 90.000 ca sốt xuất huyết; riêng tại Hậu Giang ghi nhận 270 ca mắc sốt xuất huyết, xảy ra 8/8 huyện, thị, thành phố tăng 67 ca so với cùng kỳ năm 2016. Bệnh tăng ở tất cả các huyện, thị, thành phố trừ Phụng Hiệp. Các địa phương có số ca mắc cao: huyện Phụng Hiệp 56 ca, thị xã Ngã Bảy 52 ca, huyện Châu Thành 45 ca, huyện Châu Thành A 41 ca. Hiện nay đang vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh.

Theo BSCKI. Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, nhận định: “Tập quán của người dân nông thôn thường hay dự trữ nước mưa để sinh hoạt nhưng lại chưa thực hiện việc đậy kín các dụng cụ chứa nước hoặc thả cá. Nhiều nơi người dân lại chưa thường xuyên phát quang bụi rậm hoặc không khai thông cống rãnh, lắp các vũng nước quanh nhà, để nước đọng trong các vật phế thải,… tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển; việc phòng tránh muỗi đốt như: Nằm mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng thuốc xua muỗi,… vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để”.

Một số bệnh do muỗi truyền rất nguy hiểm

Bệnh do vi-rút zika: Vi-rút zika nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ làm cho não không phát triển hoặc phát triển lệch lạc, gây thiểu năng trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, khiến cho khuôn mặt trẻ bị biến dạng, cơ thể còi cọc. Loại vi-rút nguy hiểm này lây truyền qua một loại muỗi vằn. Biểu hiện của bệnh là sốt, nổi ban dát sần, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Tuy nhiên, có đến 80% người bệnh không có triệu chứng nên rất khó phát hiện. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết: Bệnh sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp và nguy hiểm ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh có dấu hiệu như sốt cao, xuất huyết trên da, đau bụng, buồn nôn,… bệnh dễ dẫn đến các biến chứng gây tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Bệnh viêm não Nhật Bản: Bệnh dễ mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là ở các trẻ từ 2-6 tuổi. Bệnh gây tử vong cao cũng như có thể để lại các di chứng nặng nề như động kinh, thiểu năng trí tuệ, mất ngôn ngữ… nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện đã có vắc-xin để phòng bệnh này cho trẻ. Muỗi mang vi-rút gây bệnh viêm não Nhật Bản truyền bệnh cho người sau khi đốt động vật chứa mầm bệnh. Người bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, cứng cổ, co giật,… Trẻ nhỏ có dấu hiệu nôn mửa, thóp phập phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên, hoặc thay đổi tư thế…

Bệnh sốt rét: Muỗi gây bệnh sốt rét có tên là muỗi A-nô-phen, hút máu của người bệnh sau đó truyền sang người khỏe mạnh qua cắn/đốt. Bệnh lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Bệnh có các triệu chứng điển hình là sốt nóng đi kèm với rét run, nhức đầu, ra nhiều mồ hôi, người mệt mỏi… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sốt rét sẽ gây thiếu máu, mệt mỏi, gầy yếu ở người bệnh, gây chậm lớn, kém thông minh… ở trẻ nhỏ và gây sảy thai, đẻ non, biến chứng sinh nở ở phụ nữ mang thai. Nếu để thành sốt rét ác tính, bệnh có nguy cơ tử vong cao. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Cách phòng bệnh do muỗi truyền hiệu quả

Bác sĩ Chúc còn cho biết thêm: “Ngoài sự chủ động phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, thì quan trọng nhất là người dân phải chủ động tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình mình bằng cách như loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần. Thường xuyên thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà (như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ,...); dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát kê chân tủ chén, thay nước bình hoa hàng tuần; mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,...”.

Ngoài ra, tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản cho các trẻ chưa có miễn dịch từ 12 tháng tuổi đến 15 tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau từ 1-2 tuần. Mũi thứ 3 sau 1 năm, cứ sau 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần để đảm bảo miễn dịch được bền vững cho trẻ…

Bài, ảnh: BÁ PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>