Giao thông nối mạch đồng bằng

12/02/2024 | 14:20 GMT+7

Không còn chịu cảnh ngăn sông, cách chợ, giao thông Hậu Giang giờ đây đã khởi sắc, bắt nhịp với toàn vùng, sẵn sàng những bước đi mới xứng tầm với tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Nối liền vùng quê

Những ngày cuối cùng của năm 2023, đường ô tô về trung tâm xã Phú Hữu, xã Phú Tân, ở huyện Châu Thành được thông xe trong sự nô nức của người dân xứ bưởi. Còn ở huyện Long Mỹ, đường ô tô về trung tâm xã Vĩnh Viễn A cũng được thông xe kỹ thuật. Đây là 3 tuyến đường sau cùng được đưa vào sử dụng góp phần cho tỉnh hoàn thành 100% các xã, phường, thị trấn có đường ô tô về đến trung tâm, hoàn thành ước mơ nối liền mạch giao thông của tỉnh.

Về xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cán bộ, công nhân, kỹ sư, máy móc, thiết bị đang hối hả thi công đường ô tô về trung tâm xã để kịp tiến độ bàn giao đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán.

Đơn vị thi công tuyến đường này là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Sông Hậu cũng đang chạy nước rút những ngày cuối năm âm lịch. Ông Ngô Văn Chính, Chỉ huy trưởng công trường Gói thầu số 1, đường ô tô về trung tâm xã Vĩnh Viễn A, chia sẻ: “Ban lãnh đạo công ty cũng như toàn bộ cán bộ, công nhân viên, người lao động quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, thi công ngày đêm để sớm bàn giao phục vụ bà con đi lại thuận tiện dịp Tết Nguyên đán, tạo không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng sớm đưa vào khai thác, sử dụng”.

Cao tốc trục ngang hoàn thành mở ra nhiều triển vọng mới cho Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Đường ô tô về trung tâm xã Vĩnh Viễn A có chiều dài toàn tuyến hơn 8km. Mặt đường láng nhựa rộng 5,5m, nền đường rộng 7,5m. Trên tuyến đầu tư 6 cầu bằng bê tông cốt thép, chiều rộng mặt cầu 7m. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 188 tỉ đồng.

Còn với người dân xã Phú Tân, huyện Châu Thành, niềm vui được nhân đôi khi tuyến giao thông hoàn thành trước thềm Tết Dương lịch 2024. Công trình đường ô tô về trung tâm xã Phú Hữu và công trình đường ô tô về trung tâm xã Phú Tân được khởi công vào tháng 3-2021. Đây là tuyến đường liên tục, với tổng chiều dài khoảng 6,7km, điểm đầu giao với Đường tỉnh 925 và điểm cuối giao với Đường tỉnh 927C. Tuyến đường được thiết kế với quy mô đường cấp V đồng bằng, nền đường rộng 7,5m, mặt đường láng nhựa rộng 5,5m, các cầu được thiết kế với tải trọng khoảng 18 tấn. Tổng mức đầu tư 2 công trình là 310 tỉ đồng, nguồn vốn do ngân sách trung ương hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thông tin: Sau khi 2 tuyến đường này hoàn thành, đưa vào sử dụng, hạ tầng giao thông đường ô tô về trung tâm xã của huyện Châu Thành đạt 100%. Đây là điều kiện tạo tiền đề cho huyện Châu Thành có kết nối giao thông thông thương giữa các đơn vị trong xã với nhau và kết nối với các xã, các huyện lân cận.

Với phương châm “Giao thông đi trước một bước, là mũi nhọn đột phát để phát triển”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành giao thông vận tải đã bắt tay triển khai xây dựng đồ án Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang tầm nhìn đến năm 2030 với những định hướng mang tính đột phá.

Về giao thông đối nội, quy hoạch hệ thống đường tỉnh đạt cấp IV đồng bằng. Hệ thống đường huyện đáp ứng tiêu chí đường cấp V đồng bằng tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ. Trong gần 20 năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp xây dựng mới tổng cộng trên 800km. Riêng khối lượng giải ngân các công trình trên 6.000 tỉ đồng.

Tỉnh hiện có hơn 328km đường giao thông đô thị, từng bước được nâng cấp chỉnh trang ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Song song đó là có hơn 2.700km đường giao thông nông thôn, các tuyến đường nối ấp liền ấp, xã liền xã đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, xã hội và thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nối dài cao tốc

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản để thực hiện dự án, với chiều dài 37km, có 1.150 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi 260ha. Với tinh thần quyết liệt, không ngại khó, không ngại khổ, tỉnh đã nỗ lực hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Qua đó, tỉnh đã tổ chức khởi công gói thầu xây dựng số 01 và gói thầu xây dựng số 02 của dự án.

Để người dân bị ảnh hưởng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn tỉnh sớm ổn định cuộc sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo “thần tốc” đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư, gồm: Khu tái định cư thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành); Khu tái định cư xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp); Khu tái định cư thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy) và Khu tái định cư thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ). Tổng diện tích trên 13ha, tổng mức đầu tư khoảng 264 tỉ đồng, dự kiến có trên 700 nền được bố trí.

Ngoài ra, tỉnh còn làm 2 khu tái định cư gồm: Khu tái định cư Cây Dương và Khu tái định cư Bảy Ngàn bố trí khoảng 567 nền cho các hộ dân bị ảnh hưởng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 220 tỉ đồng.

Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, khẳng định sẽ quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ của chủ đầu tư, huy động mọi nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành, địa phương và Nhân dân tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ở góc độ quản lý, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là đòn bẩy, động lực giúp Hậu Giang cất cánh và vươn xa hơn trong tương lai. Do đó, việc vừa đảm bảo tiến độ của dự án, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân là vấn đề phải ưu tiên và làm hết sức khẩn trương, quyết liệt. Khi triển khai các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phải phù hợp, tái định cư thì nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ...

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế... Ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, nhận định: “ĐBSCL là vùng duy nhất trong Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030 phải phấn đấu hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường cao tốc của khu vực vùng này, tức là 3 tuyến trục ngang và 3 tuyến trục dọc sẽ được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Có thể nói, đây là tiền đề rất quan trọng để làm động lực kêu gọi đầu tư”.

Thời gian qua, hệ thống đường tỉnh được Hậu Giang quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện theo quy hoạch và đã hoàn thành đưa vào khai thác các công trình: Đường tỉnh 925, 926, 927, 928, 928B (đoạn từ Ngã Bảy đến xã Tân Phước Hưng của huyện Phụng Hiệp), 929, 931B và đường ô tô về trung tâm các xã. Đã khởi công Đường tỉnh 927C kết nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ Nam Sông Hậu; Đường tỉnh 930... Đặc biệt hoàn thành các hạng mục còn lại giai đoạn 1 của đường nối Vị Thanh với Cần Thơ (Quốc lộ 61C), phá thế độc đạo cho thành phố Vị Thanh. Bên cạnh đó Quốc lộ 1, Quốc lộ 61B đoạn qua địa bàn tỉnh cũng được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp, mở rộng.

 

NGUYÊN TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>