Nhiều chính sách mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

13/02/2018 | 10:48 GMT+7

(HG) - Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Về tiền lương tháng đóng BHXH đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động”. Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Như vậy, các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động (điểm b khoản 3 Điều 4) không là căn cứ để đóng BHXH.

Luật BHXH cũng quy định, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu của NLĐ được điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa mức đóng và mức hưởng. NSNN cũng bắt đầu thực hiện hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH (thu nhập đóng BHXH bằng chuẩn của mức chuẩn hộ nghèo) đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Trong lĩnh vực BHYT, việc mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng (từ 1/7/2018) sẽ dẫn tới quyền lợi của người tham gia BHYT cũng có một số điều chỉnh. Quyết định số 6062/QĐ-BYT (29/12/2017) do Bộ Y tế ban hành quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với từng cơ sở KCB tư nhân, sẽ giúp cho hệ thống cơ sở y tế này thuận lợi hơn trong việc tham gia KCB BHYT, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn khi đi KCB BHYT.

Với việc Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhiều vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT cũng được đưa vào xử lý trách nhiệm hình sự. Gồm: Điều 214 (tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp), Điều 215 (tội gian lận BHYT) và Điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ). Theo đó, hành vi trốn đóng BHXH có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm, phạt tiền đến 1 tỉ đồng. Chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp có thể bị phạt tù đến 10 năm. Gian lận BH thất nghiệp có thể bị phạt tù 5 năm, phạt tiền đến 200 triệu đồng.

Theo BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích