Giá trị của hòa bình qua hồi ức của cựu chiến binh

22/04/2024 | 09:52 GMT+7

Có được ngày toàn thắng 30-4-1975 là sự hy sinh của biết bao thế hệ đấu tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hồi 49 năm trước. Giá trị của hòa bình, cùng sự khắc nghiệt về cuộc chiến này, đến nay, vẫn vẹn nguyên trong hồi ức của những người chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Vợ chồng ông Lê Minh Thích xem lại ảnh kỷ niệm của những người đồng đội năm xưa.

Trong đó, có ông Lê Minh Thích (sinh năm 1945), ở ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Ông Thích sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, với lòng yêu nước và khao khát hòa bình mãnh liệt. Thế nên, vào năm 1958, khi chưa đủ tuổi đôi mươi, nhưng ông quyết tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh để xung phong thực hiện nhiệm vụ liên lạc phục vụ cách mạng.

Tháng 2-1967, ông Thích tham gia Tiểu đoàn Tây Đô, với nhiệm vụ trinh sát pháo binh, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong những lần xông pha thực địa để đo đạc những mốc tọa độ, làm cơ sở điều chỉnh chính xác trước khi khai hỏa hệ thống pháo binh của quân ta. Khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, ông Thích nhận được tin mẹ mình bị lũ tay sai bắt trong lúc đang hoạt động cách mạng và đưa vào khám lớn Cần Thơ.

Do không moi được thông tin nên chúng thả bà ra. Thế nhưng, vài tháng sau, bà mất vì di chứng thương tích nặng từ những lần tra tấn trước đó. Nỗi đau chưa nguôi, thì em gái cũng mất do sập hầm trú bom. Sau nhiều biến cố xảy ra, ông Thích được đơn vị điều chuyển qua hoạt động cách mạng ở địa bàn Trường Long thời bấy giờ. Đến năm 1973, trong một lần làm nhiệm vụ ở cảng Cái Cui, ông Thích bị thương nặng từ lựu đạn của địch, khiến đôi chân đi lại khó khăn đến tận bây giờ.

Sau khi hồi phục vết thương, ông Thích được giao nhiệm vụ mới, là làm trợ lý pháo binh huấn luyện. Tại đây, ông gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với bà Lê Lệ Hằng (sinh năm 1951), là kế toán của Tiểu đoàn Tây Đô. Sau ngày giải phóng, tình hình đất nước dần ổn định, ông xuất ngũ cùng gia đình về Hậu Giang làm nghề chạy xích lô sinh sống. “Khi nhận được tin kết thúc chiến tranh, niềm vui trong tôi không thể nào tả hết. Vì đây là điều mong mỏi bấy lâu của người dân nói chung, bản thân tôi nói riêng”, ông Thích chia sẻ.

Những chiến sĩ trở về từ cuộc chiến khốc liệt để giành lấy độc lập cho Tổ quốc như vợ chồng ông Thích đều hiểu rằng, chiến tranh kết thúc, không còn cảnh bom rơi, khói lửa khắp nơi là hòa bình quý giá, được sống bình yên nơi quê cha, đất mẹ, hàng ngày nuôi dạy con cái lớn lên trong niềm tự hào truyền thống cách mạng của gia đình. Để giữ vững giá trị, truyền thống tốt đẹp đó, ông Thích và bà Hằng, ngoài những lúc làm việc mưu sinh, họ còn dành thời gian để hoạt động trong Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ tại địa phương. Đồng thời, quan tâm nuôi dạy con cái hướng tới những điều hay lẽ phải.

Vì vậy, gia đình ông Thích được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen với thành tích gia đình thương binh vượt khó nuôi con thành đạt. Hiện nay, những người con của ông đều trưởng thành, có người đang phục vụ tại các cơ quan, đơn vị ở địa phương tiếp nối truyền thống cách mạng đầy tự hào của gia đình. Ông Trần Ngọc Gần, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Xuân, đánh giá: “Truyền thống cách mạng gia đình ông Thích, luôn là tấm gương để nhiều người học tập”.

Cũng theo ông Trần Ngọc Gần, những năm qua, khi tổ chức các sự kiện tuyên truyền về các ngày lễ lớn, hội luôn mời ông Thích đến để truyền cảm hứng cho lớp thanh niên ở địa phương. Ngoài gia đình ông Thích, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều chiến sĩ cách mạng năm xưa sinh sống, nên các hoạt động hỗ trợ chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng luôn được địa phương chú trọng thực hiện. Nổi bật như hỗ trợ bằng nguồn góp vốn xoay vòng, hỗ trợ sinh kế, cất nhà tình nghĩa...

49 năm trôi qua, nhưng ký ức về cuộc chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cảm xúc trong ngày toàn thắng 30-4-1975 vẫn còn in hằn trong tâm trí của nhiều người lính cách mạng năm xưa. Ông Thích tâm sự: “Dù chiến tranh đã lùi xa theo cùng năm tháng, nhưng chúng ta phải luôn ghi nhớ, luôn nỗ lực, phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương ngày càng vững mạnh, để không phụ công lao của biết bao thế hệ cha ông ngày trước đã nằm xuống vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của hôm nay”.

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>