Đa dạng hóa sinh kế, góp phần giảm nghèo

27/04/2023 | 08:02 GMT+7

Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, cải thiện cuộc sống, các huyện, thị, thành phố đã và đang triển khai thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Mô hình “Trồng hoa, cây kiểng và ươm cây giống” ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình giảm nghèo hiệu quả

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2022 có 15 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy được hỗ trợ dự án mô hình “Trồng hoa, cây kiểng và ươm cây giống”.

Dự án được thực hiện trong 3 năm từ tháng 10-2022 đến năm 2025, với mục tiêu giảm từ 7-10 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tham gia dự án, các hộ dân đã được đại diện Hợp tác xã Đại Thành hướng dẫn cách ươm, trồng và chăm sóc hoa kiểng, cây giống. Hợp tác xã còn cung cấp vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ việc ươm cây giống, cây hoa, cây kiểng và đảm bảo đầu ra cho các hộ tham gia.

“Được thực hiện từ tháng 10-2022 đến nay, mô hình “Ươm cây giống, cây hoa, cây kiểng” trên địa bàn xã Đại Thành đã giúp người dân tăng thu nhập. Cụ thể, mỗi hộ đã thu lợi nhuận từ 10 đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình được thực hiện còn thúc đẩy nghề ươm cây giống, trồng hoa, trồng cây kiểng trên địa bàn xã phát triển theo định hướng phát triển của thành phố về thành lập làng hoa kiểng”, ông Võ Bảo Lộc, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy, cho biết.

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, những hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để thực hiện mô hình. Người được hỗ trợ thực hiện dự án là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định). Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo…

Toàn tỉnh hiện có 9.736 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,84% và 7.426 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,69%. Năm 2023 từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân bổ nguồn vốn về các địa phương để thực hiện dự án, với tổng kinh phí trên 21,3 tỉ đồng.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tại huyện Châu Thành A, Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được triển khai tại 7 xã, thị trấn gồm thị trấn Bảy Ngàn, thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc, xã Nhơn Nghĩa A, xã Trường Long A, xã Tân Hòa và xã Tân Phú Thạnh, với tổng kinh phí trên 2,1 tỉ đồng. Hiện các xã, thị trấn đang xây dựng kế hoạch để triển khai ra cộng đồng dân cư. “Thông qua các mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế sẽ góp phần tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tăng thu nhập, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội, thoát nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo”, bà Bùi Mỹ Tiên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết.

Còn tại thành phố Vị Thanh, năm 2023 địa phương được phân bổ hơn 2,2 tỉ đồng thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại 8 xã, phường. Các xã, phường đang phối hợp với hội, đoàn thể giới thiệu, tư vấn các mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng để người dân lựa chọn, chuẩn bị phương án đăng ký thực hiện.

Là một trong những địa phương được phân bổ vốn thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hiện nay, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh đang khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để xây dựng dự án phù hợp. Theo ông Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, trong quá trình triển khai dự án, xã cũng gặp một số khó khăn: Nếu như trước đây người dân tham gia dự án giảm nghèo có thể tự đăng ký nuôi con gì, trồng cây gì hoặc mua bán nhỏ phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình thì hiện nay một dự án phải có từ 5 hộ tham gia và cùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt một loại cây trồng, con giống để liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nên người dân còn băn khoăn, bởi mỗi gia đình có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính vì vậy, địa phương đang tích cực tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của dự án giảm nghèo, để mọi người tham gia, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Để dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, tư vấn những mô hình, cách làm hiệu quả đến người dân, để từ đó xây dựng dự án, mô hình phù hợp, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ. Qua đó, góp phần giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”…

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương được phân bổ kinh phí thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: thành phố Vị Thanh trên 2,2 tỉ đồng, thành phố Ngã Bảy 1 tỉ đồng, huyện Châu Thành A trên 2,1 tỉ đồng, huyện Châu Thành trên 1,4 tỉ đồng, huyện Phụng Hiệp trên 6,4 tỉ đồng, huyện Vị Thủy gần 3 tỉ đồng, huyện Long Mỹ trên 2,6 tỉ đồng và thị xã Long Mỹ trên 2,4 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>