Thị xã Long Mỹ đẩy mạnh đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững

25/04/2023 | 10:19 GMT+7

Gia đình thuộc hộ nghèo, không có ruộng vườn, thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê, làm mướn, khi được mọi người tuyên truyền về nghề đan lục bình, bà Trần Thị Hồng, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường đã đăng ký học. Lúc mới học nghề, bà chỉ mong có thêm khoản thu nhập để lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. Điều mong muốn của bà đã thành hiện thực, bởi nhờ có nghề này mà cuộc sống gia đình bà được ổn định hơn. “Nghề này có nhiều cái hay là có thể làm mỗi ngày và không phân biệt tuổi tác. Nếu chịu khó, biết tích góp đời sống cũng sẽ ổn định”, bà Hồng chia sẻ.

Nhờ học nghề đan lục bình, bà Hồng đã có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Nhờ xuất công làm lời, chịu khó đi chặt lục bình, bà Hồng có nguồn nguyên liệu không phải tốn tiền mua, nhờ đó mỗi ngày bà cũng kiếm được 200.000 đồng. Bà Hồng chia sẻ: “Được học nghề này chị em phụ nữ nông thôn chúng tôi mừng lắm, bởi không phải lao động nặng nhọc, nhưng thu nhập cũng không phải là thấp. Nếu chịu khó mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng, lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. Cũng nhờ nghề này, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định nên thoát nghèo”.

Cũng giống như bà Hồng, nhiều người dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ đã tham gia các lớp học nghề phi nông nghiệp như đan lục bình, đan dây nhựa, may công nghiệp… từ đó có thêm việc làm và tăng thu nhập. Ngoài ra, một số nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi cũng thu hút lao động nông thôn tham gia.

Được học nghề, có việc làm và ứng dụng những gì đã học vào sản xuất là nguyện vọng của hầu hết mọi người. Các cấp, các ngành trên địa bàn thị xã Long Mỹ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Vĩnh Tường: Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, thời gian qua, mặt trận phường đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của đào tạo nghề với hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền qua những buổi sinh hoạt của ban công tác mặt trận ở khu vực, các buổi sinh hoạt chi, tổ hội của các đoàn thể, các buổi họp dân, qua nhóm zalo... Thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã chủ động tham gia các lớp nghề, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như có được việc làm, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Còn bà Hứa Thị Kim Dung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Long Mỹ, cho biết: “Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được thị xã đẩy mạnh. Ngoài tuyên truyền về lợi ích của học nghề, còn tập trung tuyên truyền về những mô hình, các tổ, nhóm, hợp tác xã giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề”.

Công tác tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, giúp người dân hiểu, nắm được các chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm, chủ động tham gia học nghề để có nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2022, thị xã Long Mỹ đã mở 25 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm cho 1.903 lao động, đạt 105,3% kế hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Long Mỹ, cho biết: “Xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp giúp giảm nghèo, hàng năm, phòng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thị xã và UBND các xã, phường rà soát, nắm nhu cầu học nghề của người lao động, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động nữ. Mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định”.

Thời gian tới, thị xã Long Mỹ tiếp tục làm tốt công tác định hướng ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề, thị trường tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin thị trường lao động, để họ tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>