Bạo loạn tại Pháp vẫn chưa đến hồi kết

05/07/2023 | 08:37 GMT+7

Bạo loạn liên tục diễn ra đã khiến tình hình an ninh trật tự ở Pháp này rơi vào tình trạng khẩn cấp.

Người biểu tình bị bắt tại Paris vào rạng sáng 2-7. Ảnh: Reuters

Sau 1 tuần diễn ra khắp nơi ở nước Pháp, đến nay bạo loạn vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Lực lượng chức năng đã điều động khoảng 45.000 cảnh sát để trấn áp tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự. Lực lượng này được triển khai tập trung chủ yếu tại ba thành phố lớn là Paris, Lyon và Marseille để đối phó với bạo loạn. Khoảng 2.400 người đã bị bắt giữ kể từ khi bạo loạn bùng phát hồi đầu tuần. Trong đó, 30% người bị bắt là trẻ vị thành niên với độ tuổi trung bình của người bị bắt là 17 tuổi.

Theo thống kê bước đầu, các vụ bạo loạn đã làm tổng cộng 492 tòa nhà bị hư hại, 2.000 phương tiện bị phá hủy, giao thông công cộng ở Paris đã bị gián đoạn trong những ngày qua sau khi người biểu tình đập phá và phóng hỏa hàng chục xe bus tại một bến xe ở phía Bắc thủ đô. Cơ quan vận tải RATP cho biết đã có những thiệt hại đáng kể, nhưng may mắn không ai bị thương.

Trong khi đó, mặt tiền trung tâm thể thao dưới nước Paris, nơi sẽ diễn ra các môn bơi trong khuôn khổ Olympic Paris năm 2024, đã hư hại do bị phóng hỏa trong các cuộc bạo loạn suốt đêm 29-6. Công ty SOLIDEO phụ trách các cơ sở hạ tầng của giải đấu lớn này đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết đang cân nhắc triển khai thêm các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh tại tất cả các địa điểm sẽ diễn ra các môn thi đấu của Olympic Paris 2024.

Ông Gerald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, cho biết: “Hiện tình hình đã bớt căng thẳng hơn một chút, các vụ đốt xe đã giảm 50%. Điều này cho thấy sự nghiêm khắc và kiên quyết của Chính phủ”.

Nguyên nhân khiến các vụ bạo loạn bùng phát khắp nước Pháp xuất phát từ vụ thiếu niên tên Nahel 17 tuổi hôm 27-6, bị hai cảnh sát chặn xe vì vi phạm giao thông. Khi Nael rồ ga bỏ chạy, sĩ quan Florian M đã nổ súng. Chiếc xe chạy thêm vài chục mét rồi đâm vào lề đường. Nahel được cấp cứu tại hiện trường nhưng không qua khỏi. Florian M, 38 tuổi, đã bị bắt với cáo buộc giết người và khai man khi nói rằng thiếu niên Nahel lao xe về phía anh ta.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, cái chết của thiếu niên đã bị lợi dụng làm công cụ cho mục đích khác và điều này là không thể chấp nhận. Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các bậc phụ huynh có trách nhiệm với con cái vì có đến 1/3 người tham gia các cuộc biểu tình bạo lực là người trẻ.

Tổng thống Macron cũng tuyên bố: “Trước các diễn biến gần đây, chúng tôi quyết định hủy bỏ nhiều sự kiện lễ hội và tập trung đông người tại một số tỉnh, thành có nguy cơ cao để bảo vệ trụ sở hành chính và người dân Pháp”. Một số thành phố tại Pháp hiện đã áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài từ 21 giờ hôm trước đến sáng hôm sau. Trong khi đó, các dịch vụ xe bus, xe điện ở khu vực Paris sẽ ngừng hoạt động lúc 21 giờ mỗi tối cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, việc bán pháo hoa cỡ lớn và một số dung dịch dễ cháy đã bị cấm.

Người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ravina Shamdasani cho rằng, đây là thời điểm để Pháp nghiêm túc giải quyết các vấn đề về phân biệt chủng tộc trong quá trình thực thi pháp luật.

LHQ kêu gọi giới chức sở tại đảm bảo phản ứng của cảnh sát trước các hoạt động tuần hành và biểu tình luôn tôn trọng các nguyên tắc về tính hợp pháp, không phân biệt đối xử, thận trọng và có trách nhiệm.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit nhấn mạnh, Berlin bày tỏ quan ngại về các vụ bạo động tại Pháp sau khi ghi nhận bạo lực lan rộng và các hoạt động bắt giữ trên diện rộng trong đêm thứ ba diễn ra biểu tình trên khắp quốc gia Tây Âu này.

Mặc dù ngành chức năng Pháp đã nỗ lực lập lại trật tự sau các vụ việc xảy ra, tuy nhiên bạo loạn vẫn chưa đến hồi kết vì còn nhiều phần tử quá khích.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>