“Chảo lửa” Niger vẫn nóng

14/09/2023 | 18:42 GMT+7

Hơn 1 tháng xảy ra đảo chính, “chảo lửa” Niger vẫn nóng với nhiều diễn biến phức tạp.

Bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey của Niger, ngày 6-8-2023. Ảnh: Getty

Mới đây, Niger dừng thỏa thuận quân sự với Benin, với cáo buộc nước láng giềng này đang phối hợp với Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) chuẩn bị cho kịch bản sử dụng vũ lực nhằm vào Niamey.

Chính quyền quân sự Niger cho rằng: Benin đã cho phép triển khai binh sĩ, lính đánh thuê và khí tài chiến tranh trong bối cảnh ECOWAS cân nhắc can thiệp quân sự vào Niger. Do đó, Niger “quyết định từ bỏ thỏa thuận hợp tác quân sự với Benin”.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Mali và Burkina Faso, hiện do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính vào năm 2021 và 2022.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Chính phủ Pháp và chính quyền quân sự Niger chưa lắng dịu, đêm 9-9, chính quyền quân sự Niger một lần nữa cáo buộc quân đội Pháp đang chuẩn bị tiến hành can thiệp vũ trang vào Niger.

Thông báo của chính quyền quân sự Niger cho rằng, họ đã phát hiện Pháp đã điều chuyển thêm hai máy bay vận tải quân sự lớn và hiện đại nhất hiện nay là A400M cùng một máy bay vận tải Dornier 328 đến Bờ Biển Ngà, hai trực thăng đa nhiệm Super Puma, 40 xe bọc thép cùng một tàu chiến chở nhiều thiết bị và binh sĩ đến Bénin.

Ngoài ra, hôm 7-9 vừa qua, một tàu quân sự Pháp cũng đã cập cảng Cotonou của Benin, mang theo nhiều binh sĩ và khí tài. Đại tá Amadou Abdelrahamane khẳng định kế hoạch tấn công của Pháp vào Niger có sự phối hợp với các quốc gia Tây Phi này.

Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nguồn tin khu vực xác nhận một lượng lớn binh sĩ cùng nhiều khí tài chiến đấu của quân đội Burkina Faso đã được triển khai đến thủ đô Niamey của Niger hôm 8-9 vừa qua. Chính quyền quân sự Niger và quân đội Burkina Faso cho biết việc điều chuyển quân này là nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận chống khủng bố chung giữa hai nước.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khu vực cho rằng động thái trên là nhằm chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang tại Niamey, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Niger và Pháp liên quan đến vấn đề trục xuất Đại sứ Pháp và đóng cửa các căn cứ quân sự Pháp tại Niger. Trong khi đó, ECOWAS liên tiếp nhắc lại lời đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào Niger để khôi phục trật tự Hiến pháp, nếu đàm phán thất bại.

Trước đó, chính quyền quân sự Niger đã ngăn cản không cho Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) và Đại sứ Tây Ban Nha tại Niamey gặp gỡ Đại sứ Pháp Sylvain Itte đã làm gia tăng căng thẳng giữa Niger với các quốc gia châu Âu.

Sở dĩ tình hình Niger trở nên hỗn loạn là do cuộc đảo chính hôm 26-7 vừa qua. Theo đó, Lực lượng cận vệ Tổng thống Niger đã bắt và quản thúc Tổng thống Mohamed Bazoum tại dinh thự. Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Tuy nhiên, các nước phương Tây và ECOWAS phản đối, kêu gọi khôi phục trật tự Hiến pháp tại Niger sớm nhất có thể. ECOWAS đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận kinh tế nhằm vào Niger. Các lãnh đạo quân đội khối ECOWAS tháng trước thống nhất được ngày có thể bắt đầu can thiệp vào Niger nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, nhưng chưa công khai thông tin.

Kể từ khi chính biến đến nay, tình hình chính trị ở Niger càng thêm rối ren. Dù các quốc gia liên quan đã nỗ lực ngoại giao để lập lại trật tự ở quốc gia châu Phi này nhưng giới quan sát cho rằng vẫn chưa có giải pháp khả thi dập tắt “chảo lửa” Niger.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>