Chính sách loại trừ sắc tộc của Taliban ở Afghanistan: Quốc tế cực lực phản đối và lên án

16/06/2023 | 09:22 GMT+7

Việc Taliban quay trở lại chính sách loại trừ sắc tộc ở Afghanistan khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.

Các tay súng Taliban tại Kabul. Ảnh: REUTERS

Theo đó, chính quyền Taliban dưới sự lãnh đạo của Hibatullah Akhundzada đã quay trở lại với chính sách chuyên quyền, lấy người Pashtun (chiếm đại đa số tại Afghanistan) làm trung tâm, loại trừ các sắc tộc khác vốn từng được thực thi vào cuối những năm 1990. Điều này đã khiến các sắc tộc thiểu số khác rơi vào tình thế khó khăn trong cuộc sống vì bị ngược đãi.

Một báo cáo thường niên do Nhóm Giám sát Trừng phạt và Hỗ trợ Phân tích của Liên Hiệp Quốc (LHQ) gửi lên Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án việc lực lượng Taliban tại Afghanistan đang quay trở lại chính sách loại trừ sắc tộc này khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn và bị cộng đồng quốc tế lên án.

Ngoài ra, theo báo cáo, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng tại quốc gia Nam Á này. Nhóm điều tra của LHQ cho biết, có những dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố Al Qaeda đang xây dựng lại khả năng hoạt động. Bên cạnh đó, chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt đầu trở lại, với những hoạt động tinh vi và nguy hiểm hơn tại Afghanistan sau thời điểm tháng 8-2022.

Báo cáo của Hội đồng Bảo an LHQ nhận định, Taliban “đã không thực hiện các điều khoản chống khủng bố theo Thỏa thuận Mang lại Hòa bình cho Afghanistan với Mỹ”. Mối liên hệ giữa Taliban với cả 2 nhóm khủng bố Al Qaeda và Tehrik-e Taliban Pakistan (TTP) vẫn “rất mạnh và mang tính cộng sinh”.

Trong khi đó, người đứng đầu Văn phòng Chính trị của Taliban tại Doha, Qatar, Suhail Shaheen tuyên bố, báo cáo của Hội đồng Bảo an LHQ là xa rời sự thật. Quan chức Taliban tuyên bố, Afghanistan không tạo ra bất kỳ mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào, và điều này sẽ không xảy ra trong tương lai. Quan chức Suhail Shaheen nhấn mạnh các quyết định liên quan tới Afghanistan không nên căn cứ trên các báo cáo thiên vị của truyền thông.

Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8-2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ khiến người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn khó và cộng đồng quốc tế xa lánh. Đáng chú ý là Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tháng 12 năm ngoái, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên hay vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng…

Cộng đồng quốc tế lên án chế độ hà khắc với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. LHQ gọi đây là “chế độ phân biệt Apartheid dựa trên giới tính”. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận của chính quyền Taliban. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài nhấn mạnh Taliban cần thay đổi chính sách với nữ giới để có cơ hội được công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập kinh tế.

Theo LHQ, gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới nên việc hà khắc đối với phụ nữ đã khiến nhiều hoạt động bị đình trệ tại quốc gia này. Từ đó khiến Afghanistan chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại. Mặt khác, việc quay lại chính sách loại trừ sắc tộc đã đi ngược lại với xu hướng phát triển và gây chia rẽ nội bộ khiến cộng đồng quốc tế càng xa lánh chính quyền Taliban.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>