FED phát tín hiệu tăng lãi suất một lần nữa

18/09/2023 | 08:53 GMT+7

Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện thêm một lần tăng lãi suất vào năm nay.

Theo kết quả khảo sát ngày 15-9 của Bloomberg với các nhà kinh tế cho thấy một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện thêm một lần tăng lãi suất vào năm nay và sẽ duy trì lãi suất ở mức cao nhất của nhiều năm trong năm 2024 lâu hơn dự kiến.

Cuộc khảo sát cho thấy Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ giữ lãi suất ở mức 5,25-5,5% tại cuộc họp ngày 19, 20-9 và duy trì ở mức đó cho đến lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ vừa qua vào tháng 5-2024. Như vậy sẽ là muộn hơn hai tháng so với dự báo của các nhà kinh tế đưa ra hồi tháng 7-2023.

Các nhà hoạch định chính sách FED đã dự báo đợt tăng lãi suất bổ sung trong năm nay khi có cập nhật đánh giá dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, các nhà kinh tế cho rằng FED sẽ không thực hiện lần tăng lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất trong thời gian qua.

Chủ tịch FED Jerome Powell và các quan chức FED đã đưa ra tín hiệu về kế hoạch tạm dừng tăng lãi suất trong tháng này, khi lạm phát chậm lại và lãi suất tiến đến mức cao nhất trong nhiều năm. Một nền kinh tế mạnh mẽ cũng giúp định hình cho các cuộc thảo luận trong cuộc họp tháng 9 này.

Các thành viên của FOMC dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay là 2%, gấp đôi dự báo 1% trong tháng 6-2023 và so với mức 0,4% vào tháng 3-2023. Ngoài ra, FOMC dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm lên 3,8%.

FOMC cũng dự báo lạm phát sẽ tăng cao ở mức 3,2%. Dự kiến, lạm phát cơ bản không bao gồm lương thực và năng lượng được cải thiện đôi chút ở mức 3,8%. Và các nhà kinh tế kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách FED sẽ dự báo đạt được mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2026.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lên cao nhất trong lịch sử trong nỗ lực hạ nhiệt giá cả tiêu dùng bất chấp rủi ro kìm hãm tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Sau cuộc họp chính sách hôm 14-9 ở Frankfurt (Đức), Hội đồng điều hành ECB nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên 4%, mức cao nhất trong lịch sử. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của cơ quan này.

Quyết định tăng chi phí vay lên mức cao kỷ lục cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ECB vẫn lo lắng về nguy cơ tăng trưởng giá tiêu dùng vượt mục tiêu hơn là nguy cơ suy thoái kinh tế mạnh. Điều này có nghĩa họ chấp nhận sự cần thiết phải gây thêm tổn thất cho nền kinh tế để kiểm soát lạm phát.

ECB đã nâng dự báo lạm phát của Eurozone trong năm nay từ 5,4% lên 5,6% và từ 3% lên 3,2% trong năm tới. Tuy nhiên, cơ quan này giảm dự báo lạm phát từ 2,2% xuống 2,1% vào năm 2025, đồng thời lưu ý tốc độ tăng trưởng giá cả “dự kiến vẫn ở quá cao trong thời gian dài”.

Lạm phát của Eurozone đã giảm từ mức đỉnh 10,6% năm ngoái, xuống còn 5,3% trong tháng 8. Lạm phát dự kiến tiếp tục giảm dù không thể đạt mục tiêu 2% của ECB cho đến năm 2025. Sự phục hồi gần đây của giá dầu làm dấy lên lo ngại rằng quá trình lạm phát hạ nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn.

Triển vọng xấu đi của nền kinh tế Eurozone được phản ánh qua việc ECB cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 0,9% xuống 0,7% và cho năm tới từ 1,5% xuống 1%.

Eric Dor, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý IESEG ở Paris, nhận định, châu Âu sắp bước vào thời kỳ lạm phát khó khăn và tăng trưởng trì trệ. “Lạm phát đình trệ hiện là viễn cảnh có khả năng xảy ra cao ở khu vực đồng euro”, ông viết trên trang mạng xã hội X, trước đây là Twitter.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>