Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng ở Tây Ban Nha ?

09/10/2017 | 08:17 GMT+7

Chính quyền Tây Ban Nha và vùng Catalonia những ngày  qua đã có những động thái đầu tiên nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay.

Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia hôm 1-10 là bất hợp pháp. Ảnh: Reuters

Trong số những vũ khí mà chính phủ Tây Ban Nha có thể cân nhắc sử dụng nhằm ngăn Catalonia tuyên bố độc lập có việc ngừng quyền tự trị của khu vực, một ý kiến đang nhận được sự ủng hộ trong dư luận Tây Ban Nha. Tuy nhiên điều này lại có thể làm nóng hơn nữa ý chí độc lập tại Catalonia. Tuy nhiên, nếu Catalonia tách ra khỏi Tây Ban Nha thành công, nhiều khả năng Catalonia sẽ bị loại ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và hệ thống ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung.

Vì vậy giải pháp trước mắt Chính phủ Tây Ban Nha đã dịu giọng với người xứ Catalonia. Người đại diện cho Chính phủ Tây Ban Nha tại Catalonia, ông Enric Millo, đã gửi lời xin lỗi đến những người bị thương trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1-10. Ông Enric nói rằng ông cảm thấy “hối tiếc và muốn thay mặt lực lượng an ninh can thiệp xin lỗi những người bị thương”. Tuy nhiên, ông Enric đổ lỗi cho chính quyền Catalonia vì tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái pháp luật. Đồng thời Chính phủ Tây Ban Nha đã lên tiếng kêu gọi chính quyền vùng tự trị Catalonia tổ chức một cuộc bầu cử khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ cho biết, việc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương sẽ là một giải pháp tốt để bắt đầu hàn gắn những chia rẽ nội bộ. Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã thông qua một sắc lệnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp chuyển cơ sở hợp pháp ra khỏi Catalonia.

Còn chính quyền Catalonia cũng đã “hạ nhiệt căng thẳng” bằng cách lùi thời gian tuyên bố độc lập theo kế hoạch. Theo đó, chính quyền vùng Catalonia đã quyết định hoãn phiên họp công bố độc lập của vùng tự trị này sang ngày 10-10, một sự kiện nếu diễn ra sẽ gây cơn địa chấn không chỉ Tây Ban Nha, mà cả châu Âu. Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố lùi 1 ngày phiên họp dự kiến đơn phương tuyên bố độc lập của vùng tự trị này sang ngày 10-10 và chương trình nghị sự cũng có sự thay đổi khi chỉ đơn giản là tập trung vào “tình hình chính trị”. Tuyên bố mới nhất này được xem là sự nhượng bộ đáng kể của chính quyền Catalonia, nhất là khi được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra lệnh đình chỉ phiên họp.

Căng thẳng giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha và vùng Catalonia đã đẩy Tây Ban Nha vào một cuộc khủng hoảng chính trị được xem là nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này khôi phục nền dân chủ năm 1977. Cuộc khủng hoảng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế đất nước, có nguy cơ đẩy khu vực kinh tế giàu có nhất Tây Ban Nha và toàn bộ đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và khiến giới doanh nghiệp, ngân hàng cảm thấy bấp bênh về mặt pháp lý. Nhiều công ty, tập đoàn, trong đó có Ngân hàng CaixaBank, lớn nhất Catalonia và lớn thứ 3 Tây Ban Nha đã quyết định chuyển trụ sở khỏi khu vực. Banco Sabadell, ngân hàng lớn thứ 2 Catalonia cũng đưa ra thông báo tương tự hồi giữa tuần, sau khi cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm trên thị trường chứng khoán.

Catalonia, vùng tự trị thịnh vượng bậc nhất Tây Ban Nha những ngày qua chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình giận dữ và đình công. Nhiều người dân đang tỏ ra bất mãn với chính quyền trung ương sau những cuộc đột kích, bắt giữ tại các điểm bỏ phiếu. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng đang làm trầm trọng thêm những mối chia rẽ bên trong xã hội quốc gia châu Âu này, nơi có tới 16% người Tây Ban Nha sinh sống và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, một nửa số người dân tại đây không đồng ý ly khai khỏi Tây Ban Nha. Chưa kể đến việc cuộc trưng cầu ý dân của xứ Catalonia diễn ra trong bối cảnh một làn sóng dân túy đang quét qua châu Âu, gây sóng gió trên chính trường nhiều nước lớn như Pháp và Đức.

Cùng với sự lên ngôi của các đảng cực hữu ở nhiều nước châu Âu khác, cuộc trưng cầu ý dân gây nhiều tranh cãi này là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy các quốc gia đang phải chật vật đối mặt với thách thức duy trì sự toàn vẹn, sự đa dạng trong xã hội và trung hòa những khoảng cách và khác biệt nội tại. Và trường hợp của xứ Catalonia hiện chẳng khác nào hồi chuông cảnh báo với những quốc gia châu Âu khác, nơi đang âm ỉ các phong trào ly khai.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>