Giao thiệp nghiêm khắc sau vụ bắt CFO Huawei

11/12/2018 | 07:34 GMT+7

Trong hai ngày cuối tuần qua (8 và 9-12), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lần lượt triệu tập Đại sứ Canada tại Bắc Kinh John McCallum và Đại sứ Mỹ Terry Brandstad để bày tỏ thái độ “giao thiệp nghiêm khắc và phản đối mạnh mẽ” đối với hành động của Mỹ và Canada trong vụ bắt giữ CFO Huawei.

CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt vào ngày 1-12 tại Canada.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành đã nói với Đại sứ Mỹ rằng, những biện pháp tiếp theo của Bắc Kinh sẽ dựa vào các hành động của Mỹ. Ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh, phía Mỹ đã vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc và tính chất của sự vi phạm này là rất tồi tệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ có các biện pháp kịp thời để sửa chữa những sai lầm và thu hồi lệnh bắt giữ nhằm vào công dân Trung Quốc Mạnh Vãn Chu. Trước đó, hôm 8-12, Trung Quốc cũng triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để đưa ra phản đối tương tự.

Chính quyền tỉnh British Columbia - Canada thông báo họ đã hủy bỏ một chuyến thăm vì mục đích thương mại tới Trung Quốc trong bối cảnh Ottawa lo ngại Bắc Kinh trả đũa.

Huawei là một trong số những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Tập đoàn này là “trái tim” trong tham vọng của Trung Quốc về việc giảm bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tự phát triển sản phẩm ngay trong nước. Bắc Kinh đã bơm hàng trăm tỉ USD vào kế hoạch “Made in China 2025”, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong các ngành công nghiệp như robot, ô tô điện và chip điện tử cho máy tính. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và cho ra mắt công nghệ mạng không dây 5G - với tập đoàn Huawei là “đầu tàu” - là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Paul Triolo - người đứng đầu chính sách công nghệ toàn cầu tại tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho biết Huawei là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất tất cả các thiết bị cần thiết cho mạng 5G, ví dụ như trạm cơ sở, trung tâm dữ liệu, ăng-ten, thiết bị cầm tay và lắp đặt chúng “ở mọi quy mô và chi phí có thể”.

Nhưng theo CNN, nếu Huawei muốn thành công trong việc xây dựng mạng lưới 5G, tập đoàn này buộc phải nhờ đến Mỹ. Trong số 92 nhà cung cấp chính cho Huawei, có 33 công ty Mỹ, bao gồm hãng sản xuất chip Intel, Qualcomm, Micron, các hãng phần mềm như Microsoft và Oracle. Ông Tom Holland tại Viện Nghiên cứu Gavekal, cho biết: “Nếu Washington cấm những công ty này bán sản phẩm cho Huawei, thì gã khổng lồ của viễn thông Trung Quốc sẽ điêu đứng”.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có thể dẫn tới những hệ quả khác nhau. Chính phủ Mỹ cho rằng bà Mạnh đã che giấu hoạt động vi phạm cấm vận của Mỹ đối với Iran. Đây cũng là điều các công tố viên phát biểu tại phiên điều trần của bà Mạnh tại Vancouver vào ngày 7-12 vừa qua.

Mặc dù chưa rõ liệu Huawei có gặp vấn đề pháp lý hay không, nhưng có nhiều suy đoán cho rằng công ty này có thể sẽ bị cấm vận xuất khẩu giống như công ty ZTE.

Trừng phạt ở mức độ nói trên - một khi được áp dụng - sẽ là thảm họa đối với Huawei và “làm trật đường ray” tham vọng triển khai mạng 5G ở quy mô thương mại lớn vào năm 2020 của Bắc Kinh.

Theo tin của báo Yomiuri, thì Nhật Bản cũng sẽ sớm ban hành lệnh cấm hoạt động mua sắm cấp chính phủ với các thiết bị viễn thông từ 2 nhà sản xuất Huawei và ZTE của Trung Quốc do quan ngại về rủi ro bị tấn công mạng và lộ thông tin tình báo. Thông tin trên cũng được công bố trong bối cảnh các quan chức chính phủ Mỹ được cho là đã liên hệ với những người đồng cấp ở các nước đồng minh chủ chốt của Washington như Đức, Italia… để cảnh giác với các thiết bị Trung Quốc.

Theo giới phân tích, thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc không chỉ gây “sốc” cho thị trường toàn cầu, mà còn nhằm tạo áp lực cho Trung Quốc trong 90 ngày “ngừng chiến” và cảnh báo với các đối tác của Mỹ trong quan hệ thương mại, đồng thời là phép thử quan hệ Mỹ - Canada khi Hiệp định thương mại USMCA thay thế NAFTA sắp có hiệu lực vào đầu năm 2019.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>