Khủng hoảng vận chuyển ở Biển Đỏ: Nguy cơ lạm phát mới

27/12/2023 | 10:17 GMT+7

Việc vận chuyển qua Biển Đỏ và kênh đào Suez bị đình trệ do lực lượng Houthi liên tục tấn công đã khiến nhiều thương hiệu lớn gián đoạn nguồn cung có nguy cơ gây ra lạm phát mới.

Tên lửa của lực lượng Houthi trong lễ diễu binh tại Sanaa, Yemen, hôm 21-9. Ảnh: AFP

Công ty Nội thất Thụy Điển IKEA thông báo họ đang tìm hiểu các tuyến đường thay thế để đảm bảo thị trường không thiếu các sản phẩm chủ yếu được vận chuyển qua Biển Đỏ và kênh đào Suez từ các nhà máy châu Á đến thị trường phương Tây. Oscar Ljunggren, người phát ngôn của Tập đoàn Inter IKEA, cho biết: “Tình hình ở Kênh đào Suez sẽ dẫn đến chậm trễ và có thể gây ra những hạn chế về nguồn cung đối với một số sản phẩm của IKEA”.

Trong khi đó, thương hiệu thời trang Abercrombie & Fitch có kế hoạch chuyển từ vận tải đường biển sang vận tải hàng không bất cứ khi nào có thể để giảm thiểu gián đoạn.

Đầu tuần trước, tập đoàn vận tải Đan Mạch Maersk, cho biết họ đã đặt lại lịch trình các tàu đi vòng quanh châu Phi qua Mũi Hảo Vọng do đứng trước nguy cơ cao trở thành mục tiêu bị tấn công. Tuy nhiên, lịch trình mới này sẽ làm giảm 25% hiệu quả của chuyến đi Á - Âu.

Còn Công ty vận tải Đức Hapag-Lloyd cũng có động thái tương tự. Việc tàu thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, thay vì qua Kênh đào Suez của Ai Cập. sẽ kéo dài hành trình thêm gần 2,5 tuần, từ đó kéo theo năng lực vận chuyển giảm và chi phí tăng.

Hiện có ít nhất 121 tàu container chuyển sang tuyến đường dài hơn. Con số này sẽ tăng theo thời nếu lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các tàu chở hàng qua Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Kênh đào Suez là huyết mạch giao thông quan trọng, xử lý khoảng 15% hoạt động vận tải biển trên thế giới. Các tàu container chiếm 30% tổng lượng vận chuyển toàn cầu với lượng hàng hóa trị giá lên đến 1.000 tỉ USD mỗi năm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, vụ việc các tàu container bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công trên khu vực Biển Đỏ có khả năng làm giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu. Đây có thể là một “đòn giáng” mới vào chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, làm gia tăng áp lực lạm phát vốn đang ở mức cao trên toàn cầu.

Các cuộc tấn công gần đây xảy ra trong bối cảnh chiến tranh nổ ra giữa Israel - Hamas, đã đặt ra tình trạng khẩn cấp về thương mại và vận chuyển, khiến nhiều người liên tưởng đến sự cố năm 2021 khi một trong những tàu hàng container lớn nhất mắc kẹt tại kênh đào trong 6 ngày, dẫn đến thiệt hại thương mại toàn cầu mỗi ngày lên tới 9,6 tỉ USD.

Theo kênh truyền hình RT, quá trình di chuyển bị gián đoạn của các tàu chở hàng ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen đang khiến các chủ hàng toàn cầu phải chuyển hướng hành trình, có khả năng dẫn đến giá hàng hóa tăng cao.

Lý giải về những đợt tấn công tàu chở hàng hóa gần đây, lực lượng Houthi cho biết đây là hành động phản đối các cuộc tấn công của Israel nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza và sẽ chưa dừng lại cho đến khi nào Israel ngừng tấn công Gaza.

Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Houthi, Mỹ đã phối hợp với các đồng minh lập ra liên minh gồm hơn 20 nước để bảo vệ các tàu thuyền đi qua Biển Đỏ, một trong những tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan, Israel tiếp tục gia tăng tấn công truy đuổi Hamas tại Dải Gaza trong những ngày qua. Các cuộc tấn công này đã làm hơn 75.000 người Palestine thương vong, trong đó gần 21.000 người tử vong.

 Những hành động tấn công của lực lượng Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn, tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc trên. Giới phân tích nhận định, cả Houthi và Iran cũng rất thận trọng không muốn chọc giận Mỹ và các đồng minh phương Tây vì sẽ để lại hậu quả nặng nề nếu như họ đồng loạt tấn công. Do vậy, việc tấn công của Houthi chỉ mang tính cảnh báo được cho là điều kiện để hạ nhiệt giao tranh của Irael và Hamas. Tuy nhiên, bài toán này khó tìm được lời giải khi Israel vẫn quyết tâm tiêu diệt Hamas.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>