Làn sóng biểu tình của bác sĩ ở Hàn Quốc vẫn “nóng”

10/05/2024 | 05:31 GMT+7

Hơn 3 tháng diễn ra với nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làn sóng đình công của lực lượng bác sĩ ở Hàn Quốc vẫn chưa có hồi kết.

Cuộc đình công của các bác sĩ thực tập từ tháng 2 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành y tế của Hàn Quốc. Ảnh: Getty

Theo đó, hồi tháng 2 cuộc đình công của bác sĩ tập sự nổ ra phản đối Chính phủ Hàn Quốc về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 người/năm để bổ sung khoảng 10.000 bác sĩ cho lực lượng ngành này vào năm 2035 và yêu cầu tăng chế độ cho lực lượng bác sĩ ngang bằng giữa thành thị và nông thôn và cải cách y tế. Sau đó, làn biểu tình lan rộng ra khắp đất nước Hàn Quốc, với hơn 12.000 bác sĩ tập sự khiến các bệnh viện khủng hoảng nhân lực trầm trọng mặc dù nhiều lần Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo rút giấy phép hành nghề của bác sĩ nếu không đến bệnh viện làm việc. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình chẳng những không hạ nhiệt mà còn tăng lên từng ngày.

Để giải quyết những tồn đọng trên, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ hàng tháng trị giá 190  tỉ Won (khoảng 140 triệu USD) để hỗ trợ và duy trì hoạt động tại các khoa cấp cứu của bệnh viện và tăng tiền hỗ trợ làm thêm giờ cho những bác sĩ làm việc tại các khoa này. Tuy nhiên, giải pháp tình thế này không thể vực dậy hoạt động bình thường ở các bệnh viện.

Ngày 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Cho Kyoo-hong cho biết chính phủ nước này sẽ gia hạn hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp thêm 1 tháng. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh cuộc đình công tập thể của các bác sĩ thực tập kéo dài gần 3 tháng qua đã làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhiều bệnh viện lớn của Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ huy động thêm bác sĩ quân y để lấp đầy “khoảng trống” cho các dịch vụ y tế bị thiếu hụt nhân sự bởi cuộc đình công, ông Cho Kyoo-hong cho biết thêm.

Một số giáo sư y khoa là bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện lớn đã cảnh báo rằng, họ sẽ nghỉ phép một tuần trong tháng 5 này nếu Chính phủ Hàn Quốc chính thức xác nhận chi tiết về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y để tăng số lượng sinh viên y khoa - vấn đề gai góc là nguyên nhân gây ra làn sóng bác sĩ đình công tại quốc gia này.

Bộ trưởng Cho Kyoo-hong kêu gọi các giáo sư y khoa dừng hành động đình công tập thể đã lên kế hoạch, đồng thời điều chỉnh các cam kết về thực hiện cải cách y tế.

Trong khi đó, cộng đồng y tế và các cơ quan y tế cũng mâu thuẫn khi Tòa án tối cao Seoul yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc nộp biên bản và các tài liệu khác để xác minh rằng quyết định tăng số lượng tuyển sinh sinh viên trường y lên 2.000 là dựa trên cơ sở khoa học.

Hiện nay, hệ lụy của làn sóng bác sĩ đình công này đã lan tới các bệnh viện ở những thành phố nhỏ khi tình trạng thiếu hụt bác sĩ đã làm tê liệt hoạt động ở đây. Tại Hàn Quốc, những thành phố nhỏ đang gặp khó khăn trong việc thu hút bác sĩ và y tá do điều kiện làm việc không hấp dẫn bằng các thành phố lớn. Chính vì thực tế này, trung tâm y tế ở Incheon đã phải dừng một số hoạt động khám, chữa bệnh từ nhiều tháng nay.

Tình trạng thiếu bác sĩ đặc biệt trầm trọng ở khu vực nông thôn và tỉnh lẻ, nơi người dân thường phải di chuyển quãng đường dài để đến các trung tâm điều trị ở thành thị. Điều này đã gây ra áp lực rất lớn cho các bệnh viện tuyến trên.

Hiện ở Hàn Quốc, cứ 1.000 người dân có 2,6 bác sĩ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Mặt khác, do dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng nên nước này dự kiến sẽ thiếu khoảng 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Thực trạng này sẽ trầm trọng hơn khi Hàn Quốc là một trong số quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỷ lệ dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Để khắc phục căn cơ tình trạng thiếu bác sĩ hiện nay, giới chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc cần điều chỉnh một số chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi của những bác sĩ mới vào nghề, đồng thời đảm bảo phân bổ công bằng số bác sĩ làm việc tại các địa phương.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>