Mỹ tái gia nhập UNESCO

04/07/2023 | 09:30 GMT+7

Sau phiên bỏ phiếu cuối tuần qua với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng, Mỹ đã chính thức tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đảo ngược quyết định rút khỏi tổ chức này dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Mỹ chính thức tái gia nhập UNESCO từ 1-7-2023. Ảnh: SYNOLOGY

Kể từ khi được thành lập, UNESCO đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, đặc biệt là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Việc Mỹ, quốc gia đóng góp hơn 20% tổng kinh phí hàng năm của tổ chức này rút đi khiến UNESCO rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, bắt buộc cắt giảm nhiều hoạt động, phải dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện.

Việc Mỹ quay trở lại, với cam kết trả dần khoản nợ hơn 500 triệu USD cũng như những gói tài trợ mới không chỉ giúp cho tổ chức này có thêm ngân sách mà còn tăng cường vai trò, mở rộng các chương trình hoạt động của mình. Mỹ quay trở lại tham gia, thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là động lực buộc một số nước khác như Anh, Nhật Bản hoặc Brazil trả các khoản đóng góp còn nợ cho UNESCO.

Đối với Mỹ, việc quay trở lại UNESCO cùng với các cam kết mạnh mẽ phục vụ cho chiến lược toàn cầu của chính quyền Tổng thống Biden, củng cố vị thế lãnh đạo và quảng bá cho hình ảnh của nước này. Cụ thể hơn, Mỹ muốn giải quyết các mối quan ngại và đối phó với ảnh hưởng không chỉ của Trung Quốc mà còn các nước lớn khác trong UNESCO nói riêng và các tổ chức quốc tế khác nói chung.

Theo đánh giá của giới chức Mỹ, những gì đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng, ví dụ như nghiên cứu quy tắc, chuẩn mực cho trí tuệ nhân tạo, tác động đến sự phân tách thế giới đang gia tăng, góp phần định hình trật tự thế giới thông qua giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hay có thể nói rằng, Mỹ sẽ có thêm nền tảng để củng cố và thúc đẩy cho lợi ích của nước này trong tương lai.

Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu phức tạp như hiện nay thì tất cả các nước đều ưu tiên và đặt lợi ích quốc gia của mình lên hàng đầu. Việc tham gia các tổ chức quốc tế không chỉ là thực hiện các mục tiêu chung cho nhân loại mà bên cạnh đó còn có mục đích chính trị, phục vụ lợi ích của mỗi nước, đặc biệt là các nước lớn.

Quay trở lại với UNESCO, đây là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc được giao nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác quốc tế và hòa bình thông qua việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục, khoa học và văn hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, tổ chức này được biết đến nhiều nhất với việc chỉ định và bảo vệ các địa điểm khảo cổ và di sản thế giới. Hầu hết các hoạt động của tổ chức này đều nhận được sự đồng thuận quốc tế, ngoại trừ một số quyết định liên quan đến các địa danh tôn giáo hoặc khảo cổ đang tranh chấp hoặc thông qua tư cách thành viên…

Trong thời gian vừa qua, có một thực tế là xu hướng các nước đưa những vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO và các tổ chức trực thuộc ngày càng rõ hơn. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Ủy ban Di sản thế giới, cơ quan trực thuộc UNESCO đảm nhiệm việc chỉ định và bảo vệ các địa danh văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng. Quyết định của Ủy ban này có tác động rất lớn đến du lịch và kinh tế, đồng thời có thể gây ra mâu thuẫn khi chỉ định các di sản trong khu vực vốn đang tranh cãi hoặc có tranh chấp. Mâu thuẫn trong việc bỏ phiếu chỉ định các địa danh đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>