Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng thương mại

17/12/2018 | 09:21 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc hôm 14-12 đã có những động thái được xem là thực chất nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Toàn cảnh cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 1-12. Ảnh: REUTERS

Theo đó, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngừng áp thuế bổ sung đối với ô tô nguyên chiếc và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1-1 đến 31-3-2019 tới. Cụ thể Chính phủ Trung Quốc sẽ ngừng áp thuế 25% đối với 144 loại phụ tùng ô tô của Mỹ và 5% đối với 67 mẫu ô tô.

Ngay sau đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng chính thức lùi kế hoạch tăng thuế từ mức 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, dự kiến thực hiện từ ngày 1-1-2019, sang ngày 2-3-2019, trong bối cảnh hai nước đang tiến hành đàm phán về thương mại và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, quyết định lùi thời điểm tăng thuế không ảnh hưởng đến mức thuế 25% đang được áp với số hàng hóa công nghệ trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc, bao gồm thiết bị bán dẫn, các thiết bị điện tử, máy móc và ô tô.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Trung Quốc vừa có động thái bất ngờ khi chỉ đạo các chính quyền địa phương ngừng nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025”, báo hiệu một sự “xuống thang” trong cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ.

Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” chính là một trong những tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tỏ rõ quyết tâm, bằng hàng loạt biện pháp, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc mà có thể thách thức vị thế của Mỹ hiện nay, trong đó “Made in China 2025” chính là mục tiêu trực diện nhất.

“Made in China 2025” là một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được giới chức Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi sáng kiến này được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hồi năm 2015. Chiến lược này đóng vai trò then chốt trong mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050 và có khả năng cạnh tranh cao hơn trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch. Kế hoạch này được Chủ tịch Tập Cận Bình đặt nhiều kỳ vọng, qua đó biến Trung Quốc từ “công xưởng thế giới” thành một trung tâm công nghệ toàn cầu.

Trong một bản hướng dẫn mới gửi đến các chính quyền cơ sở đầu tuần qua, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ cụm từ “Made in China 2025”, thay vào đó, Quốc Vụ viện kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo giới quan sát, đây là động thái khá bất ngờ, song không rõ đó có phải là một chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ hay không, và động thái này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn toàn chấm dứt chiến lược “Made in China 2025”.

Trả lời phỏng vấn của kênh CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 12-12 cũng nói rằng động thái trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã giảm nhẹ chiến lược “Made in China 2025”, song còn quá sớm để khẳng định chiến lược này đã bị khai tử. Cũng như Bộ trưởng Ross, nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch mới của Bắc Kinh, một số người cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò đánh lạc hướng của Trung Quốc. Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc của Hội kinh doanh Mỹ, bày tỏ hy vọng kế hoạch mới của Trung Quốc không chỉ là những lời nói sáo rỗng, mang tính tuyên truyền, mà là “những biện pháp điều chỉnh cụ thể, liên quan đến trợ cấp, đề ra tiêu chuẩn và thu mua”.

Thời gian qua, Trung Quốc và Mỹ trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc không bên nào chịu “xuống nước” đã làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Cho nên, với những động thái tích cực trên, cả thế giới hiện đang theo dõi hai bên thực hiện giải pháp nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại song phương vốn đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>