Nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ còn tái diễn

04/10/2023 | 08:13 GMT+7

Chính phủ Mỹ vừa thoát nguy cơ đóng cửa nhờ đạt được thỏa hiệp giữa hai đảng, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Ảnh: GETTY

Theo đó, ngày 1-10 vừa qua là thời điểm Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa nếu Quốc hội không thông qua ngân sách hoạt động cho chính phủ. Điều đó có nghĩa các cơ quan cung cấp dịch vụ công bị hạn chế hoạt động, dẫn tới ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mỹ. Cụ thể, nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ có tới 438 cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương, hàng loạt dịch vụ công bị gián đoạn. Việc đóng cửa cũng sẽ khiến các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng - vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư - sẽ bị đình chỉ công bố vô thời hạn. Ngoài ra nhiều lĩnh vực liên quan khác cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Thực tế, việc Thượng viện thông qua kế hoạch tạm thời để gia hạn thời gian hoạt động cho các cơ quan chính phủ là khá dễ dàng, vì đa phần thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng thông qua Hạ viện do đa số hạ nghị sĩ đều thuộc đảng đối lập, tức là đảng Cộng hòa nắm giữ.

Tuy nhiên, vào giờ chót (30-9) cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn chính phủ đóng cửa với sự ủng hộ áp đảo từ các đảng viên Dân chủ. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống, thông qua dự luật để tài trợ cho chính phủ hoạt động thêm 45 ngày nữa.

Tại Thượng viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát, dự luật cũng được thông qua với kết quả áp đảo 88 phiếu thuận và 9 phiếu chống. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó ký thành luật.

Đây là một bước thay đổi lớn so với hồi đầu tuần trước, khi viễn cảnh chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ sau nửa đêm 30-9 dường như là điều không thể tránh khỏi.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Don Beyer cho hay: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã nhượng bộ và cuối cùng cho phép một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng để ngăn chặn nỗ lực của các đảng viên Cộng hòa nhằm vội vã đóng cửa chính phủ một cách thảm hại”.

Các cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách tại Quốc hội Mỹ thường xuyên lâm vào thế bế tắc khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn tận dụng nguy cơ chính phủ đóng cửa để gây sức ép buộc đối phương nhượng bộ.

Việc thông qua ngân sách cho hoạt động Chính phủ Mỹ lần này, vấn đề đảng Cộng hòa đặt ra là yêu cầu chính phủ phải có các biện pháp siết chặt biên giới để ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ thì mới ủng hộ kế hoạch tránh cho chính phủ phải đóng cửa lần thứ tư chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, yêu cầu này của Chủ tịch Hạ viện lại không được phía đảng Dân chủ đồng ý, nên cuộc đấu tại Quốc hội Mỹ xoay quanh ngân sách cho chính phủ gặp khó khăn.

Trước đó,Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu ra viễn cảnh: “Nếu chính phủ đóng cửa thì các thành viên Quốc hội, thành viên quân đội Mỹ sẽ phải tiếp tục làm việc mà không được trả lương. Chính phủ đóng cửa có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ an toàn vệ sinh thực phẩm đến nghiên cứu ung thư, đến chương trình chăm sóc trẻ em gia đình thu nhập thấp. Cấp ngân sách cho chính phủ nằm trong các trách nhiệm cơ bản của Quốc hội”.

Tuy nhiên, cuối cùng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn đạt thỏa hiệp vào phút chót để duy trì hoạt động cho chính phủ.

Giới quan sát cho rằng, từ những bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa khó có thể dung hòa thì điệp khúc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ còn tái diễn trong tương lai.

Trong 5 thập kỷ trở lại đây, nước Mỹ đã có tới 21 lần chính phủ đóng cửa. Lần đóng cửa chính phủ đầu tiên vào năm 1976 dưới thời Tổng thống Gerald Ford. Đợt đóng cửa Chính phủ Mỹ kéo dài nhất tới 34 ngày, dưới thời Tổng thống Donald Trump.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích